THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

THỜI HIỆU VÀ THỜI HIỆU KHỞI KIỆN LÀ GÌ?

Theo Bộ luật dân sự quy định thì thời hiệu là thời hạn (một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác) do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra. Thời hạn được tính theo dương lịch, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. (Căn cứ Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự) 

thời hiệu khởi kiện tranh chấp đất đai

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VÀ CÁC LOẠI THỜI HIỆU

Theo đó, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện (Căn cứ Khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự). Bên cạnh thời hiệu khởi kiện còn có các loại thời hiệu khác nhau:

– Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.

– Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.

– Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.

CÁCH XÁC ĐỊNH THỜI HIỆU

Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

THỜI GIAN KHÔNG TÍNH VÀO THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

– Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu. (Trong đó, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình);

– Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:

  • Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;
  • Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

BẮT ĐẦU LẠI THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện nếu rời vào một trong trường hợp sau đây:

– Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

– Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

– Các bên đã tự hòa giải với nhau. (Căn cứ Điều 157 Bộ luật dân sự)

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN ĐẤT ĐAI

Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật đất đai 2013, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Có nhiều dạng tranh chấp đất đai khác nhau nhưng điển hình thường gặp các loại tranh chấp sau:

– Tranh chấp về quyền sử dụng đất (tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất?)

– Tranh chấp về các giao dịch liên quan đến đất đai

– Tranh chấp về chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất

– Tranh chấp về chia tài sản chung vợ chồng là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất khi ly hôn …. Tranh chấp đất đai rất đa dạng, tùy thuộc vào loại tranh chấp để xác định thời hiệu khởi kiện vụ án dân dự. Về cơ bản, do tính chất đặc thù của đất đai nên pháp luật không quy định thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất. Chỉ có các tranh chấp liên quan đến đất đai như các giao dịch dân sự, thừa kế, ly hôn các bên tham gia xác lập giao dịch nên chú ý đến thời hiệu tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình một cách tốt nhất. 

KHÔNG ÁP DỤNG THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VỚI TRANH CHẤP VỀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

– Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật dân sự, thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây: 

“1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
4. Trường hợp khác do luật quy định.” 

– Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP quy định về các trường hợp không áp dụng thời hiệu: 

“2. Đối với các tranh chấp dân sự sau đây thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện:
c) Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai là tranh chấp ai có quyền sử dụng đất đó.” 

Như vậy, đối với tranh chấp đất đai về ai là người có quyền sử dụng đất, bất kể thời điểm nào mà người sử dụng đất cho rằng quyền của mình bị xâm phạm thì có thể thực hiện các thủ tục tố tụng để bảo vệ quyền sử dụng đất hợp pháp của mình.

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VỚI TRANH CHẤP VỀ CÁC GIAO DỊCH LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT ĐAI

– Đối với tranh chấp giao dịch liên quan đến đất đai, ví dụ như: hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất… thì thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. (Căn cứ quy định tại điều 429 Bộ luật Dân sự 2015)

– Bên cạnh đó, thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự liên quan đến đất đai vô hiệu là 02 năm kể từ ngày được xác định theo Điều 132 Bộ luật dân sự, đối với các trường hợp sau: Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn; Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép,  Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.

Lưu ý: Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VỚI TRANH CHẤP VỀ CHIA DI SẢN THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

  • Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật dân sự;
  • Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu theo quy định ở trên;

– Bên cạnh đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác đối với di sản thừa kế là bất động sản là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VỀ CHIA TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT KHI LY HÔN

Không có hạn chế về thời hiệu chia tài sản chung, không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu phân chia tài sản chung, do đó ngay kể cả khi đã ly hôn, đương sự hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án chia tài sản chung là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nếu đáp ứng các điều kiện sau:

– Tài sản yêu cầu phân chia chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trước đó (Trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án phân chia tài sản chung do người có yêu cầu rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện).

– Người khởi kiện xuất trình được chứng cứ, tài liệu chứng minh về tài sản chung hoặc có căn cứ thấy rằng người khởi kiện không tự thu thập được chứng cứ và đề nghị Tòa án thu thập giúp.

– Hồ sơ khởi kiện chia tài sản chung được nộp đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Xem thêm:

 Lệ phí khởi kiện tranh chấp đất đai

– Các trường hợp tranh chấp đất đai

– Bản đồ quy hoạch đất đai

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trên đây là tư vấn về “Thời hiệu khởi kiện tranh chấp đất đai“. Công ty Luật Alana Nhàn Nguyễn cung cấp các giải pháp, dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp, tổ chức, các cá nhân trong các lĩnh vực như: đầu tư, thành lập doanh nghiệp, đất đai, sở hữu trí tuệ, hôn nhân, thừa kế, thuế, luật sư tranh tụng tại tòa. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn mọi thắc mắc của khách hàng như Luật sư tư vấn pháp luật qua Email, hotline 0972 798 172.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *