QUY ĐỊNH VỀ GẶP NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, TẠM GIAM

Làm thế nào để gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong thời hạn tạm giam? (đang trong giai đoạn điều tra, giai đoạn xét xử hay kể cả đã có bản án, của Tòa án nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật … ) hãy cùng đội ngũ tư vấn Luật Alana Nhàn Nguyễn chúng tôi tìm hiểu:

Quy định về gặp người bị tạm giữ

THẾ NÀO LÀ NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, TẠM GIAM?

Theo Bộ luật hình sự năm 2015Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 người bị tạm giữ hoặc người bị tạm giam như sau: 

– Người bị tạm giữ: là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định. Người bị tạm giữ là những người đã có Quyết định Tạm giữ và thuộc một trong các trường hợp sau: (Điều 59. BLTTHS )

+ Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp

+ Bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang

+ Bị bắt theo quyết định truy nã

+ Người phạm tội tự thú, đầu thú 

– Người bị tạm giam: là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam, bao gồm:

+ Bị can (Người đã có quyết định khởi tố bị can của CQĐT, cáo trạng của VKS)

+ Bị cáo (Người đang trong giai đoạn xét xử, kể từ ngày Tòa án vào sổ thụ lý vụ án)

+ Người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án;

+ Người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.

QUYỀN CỦA NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, NGƯỜI BỊ TẠM GIAM

Căn cứ Điều 9 Luật thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015, người bị tạm giữ, tạm giam có các quyền sau đây:

  1. Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;
  2. Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;
  3. Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;
  4.  Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;
  5. Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;
  6. Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
  7.  Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;
  8. Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
  9. Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;
  10. Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.

Người bị tạm giữ, người bị tam giam được đảm bảo quyền được gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; không làm ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền và đảm bảo an toàn cơ sở giam giữ.

THÂN NHÂN CỦA NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, NGƯỜI BỊ TẠM GIAM

Căn cứ Điều 3 Luật thi hành tạm giữ tạm giam, thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ sau với người bị tạm giữ, người bị tạm giam:

  • Vợ, chồng;
  • Bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng;
  • Con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể;
  • Anh chị em ruột
  • Ông bà nội, ông bà ngoại;
  • Cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC GẶP NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, NGƯỜI BỊ TẠM GIAM

THẨM QUYỀN 

Thủ trưởng cơ sở giam giữ: Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam quyết định cho gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định. (Căn cứ Điểm d Khoản 3 Điều 13 Luật thi hành tạm giữ tạm giam)

Trường hợp cơ quan đang thụ lý vụ án có yêu cầu giám sát, theo dõi việc thăm gặp thì thủ trưởng cơ sở giam giữ thông báo thời điểm thăm gặp cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để phối hợp.

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THĂM GẶP THÂN NHÂN, NGƯỜI BẢO CHỮA

QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI THÂN NHÂN

– Đối với người bị tạm giữ: 

+ Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ, kể cả ngày nghỉ, mỗi lần gặp không quá một giờ 

– Đối với người bị tạm giam: 

+ Thân nhân được gặp một lần trong một tháng, thời gian gặp trong giờ làm việc, mỗi lần gặp không quá một giờ

+ Trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý

+ Trường hợp người bị tạm giữ chuyển sang bị tạm giam hoặc người bị tạm giam mà thời gian tạm giam không đủ một tháng trong tháng đó thì vẫn được giải quyết gặp thân nhân một lần.

– Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gặp không quá 03 thân nhân trong mỗi lần gặp; các trường hợp khác do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.

QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI NGƯỜI BÀO CHỮA

Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật thi hành tạm giữ tạm giam phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa và gặp tại:

+ Buồng làm việc của cơ sở giam giữ

+ Hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh;

HỒ SƠ VÀ TỔ CHỨC VIỆC THĂM GẶP

VỀ HỒ SƠ 

Đối với Thân nhân: 

Thân nhân đến thăm gặp phải xuất trình một trong các loại giấy tờ tùy thân sau:

+ Giấy chứng minh nhân dân/hộ chiếu/thẻ căn cước công dân/giấy xác nhận là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân,

+ Người dưới 14 tuổi phải có giấy khai sinh;

+ Giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam. 

Lưu ý: 

– Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ chứng minh quan hệ thì phải có đơn đề nghị  có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền;

Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ tùy thân thì đơn đề nghị thăm gặp phải dán ảnh và đóng dấu giáp lai vào ảnh.

Đối với người bào chữa: 

+ Giấy tờ tùy thân

+ Giấy tờ về việc bào chữa:

  • Văn bản thông báo người bào chữa
  • Thẻ luật sư hoặc Thẻ trợ giúp viên pháp lý

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC THĂM GẶP

– Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân

– Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định bằng văn bản việc cho gặp thân nhân, nêu rõ thời điểm được gặp thân nhân, cán bộ quản lý trong thời gian thăm gặp và gửi quyết định cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết.

– Ngôn ngữ sử dụng trong thăm gặp là tiếng Việt, trường hợp là người dân tộc ít người hoặc người nước ngoài không biết tiếng Việt thì phải có phiên dịch hoặc cán bộ biết tiếng dân tộc hoặc tiếng nước đó tham gia.

– Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ có các yêu cầu về giao dịch dân sự, cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm phối hợp với cơ sở giam giữ để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

– Thủ trưởng cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân theo đúng quy định của pháp luật. Bố trí cán bộ là sỹ quan có trình độ, năng lực, kinh nghiệm trong công tác quản lý, giam giữ để làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp.

– Cơ sở giam giữ có trách nhiệm bố trí phòng thăm gặp để tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân, có treo biển “Phòng thăm gặp”, có vách ngăn, bảng niêm yết Nội quy cơ sở giam giữ, quy định về thăm gặp, hòm thư góp ý, bảng thông tin trợ giúp pháp lý.

– Cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp phải chấp hành đúng Điều lệnh Công an nhân dân; kiểm tra giấy tờ theo quy định và báo cáo thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định các trường hợp đề nghị thăm gặp; phổ biến Nội quy cơ sở giam giữ, quy định về việc thăm gặp cho người đến thăm gặp biết để chấp hành; ghi chép vào sổ theo dõi thăm gặp.

CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG CHO THĂM GẶP NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, NGƯỜI BỊ TẠM GIAM

  1. Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án; người bào chữa không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
  2. Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn;
  3. Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ;
  4. Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
  5. Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác;
  6. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp; trường hợp này, người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp;
  7. Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên;
  8. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật – người bị cách ly ở buồng kỷ luật nếu có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì bị cùm một chân. Thời gian bị cùm chân do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định. Không áp dụng cùm chân đối với người bị kỷ luật là người dưới 18 tuổi, phụ nữ, người khuyết tật nặng trở lên, người đủ 70 tuổi trở lên. Trong thời gian bị cách ly ở buồng kỷ luật, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế việc thăm gặp, gửi, nhận thư, nhận quà.này.

Khi bàn giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam cho cơ sở giam giữ hoặc khi tiếp nhận hồ sơ hoặc khi có yêu cầu thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải có ý kiến ngay bằng văn bản đề nghị không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam, nêu rõ lý do, thời hạn không cho thăm gặp; cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ biết khi đến thăm gặp.

NHẬN QUÀ, GỬI, NHẬN THƯ, SÁCH, BÁO, TÀI LIỆU CỦA NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, NGƯỜI BỊ TẠM GIAM

Ngoài việc quyết định cho thăm gặp người thân, người bào chữa, cơ sở giam giữ còn giải quyết việc nhận quà, việc gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu cho người bị tạm giữ, tạm giam.

Ngoài việc nhận quà khi gặp thân nhân, người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn được nhận quà của thân nhân gửi tại cơ sở giam giữ, trọng lượng quà mỗi lần gửi không quá 03 kg; được nhận tiền của thân nhân gửi qua đường bưu điện. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận quà do cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam đảm bảo đúng quy định.

– Người bị tạm giữ được nhận quà của thân nhân gửi một lần trong thời gian tạm giữ; một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được nhận quà của thân nhân gửi đến không quá ba lần trong 01 tháng. Định lượng quà là đồ ăn, uống mỗi lần gửi không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

– Các loại quà mà thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gửi gồm: tiền, thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, đồ ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt và tư trang cá nhân (trừ các đồ vật thuộc danh mục cấm). Trong trường hợp đặc biệt để phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định tạm dừng việc nhận quà là đồ ăn, uống.

– Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu khi được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép và chịu sự kiểm duyệt của cơ quan đang thụ lý vụ án và sự kiểm tra của cơ sở giam giữ.

Xem thêm:

– Thuế kinh doanh dịch vụ ăn uống

– Dịch vụ kê khai thuế ban đầu

– Hàng hóa dịch vụ không kê khai thuế

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trên đây là tư vấn về “Quy định về gặp người bị tạm giữ, tạm giam“. Hy vọng bài viết có ích cho độ giả. Công ty Luật Alana Nhàn Nguyễn cung cấp các giải pháp, dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp, tổ chức, các cá nhân trong các lĩnh vực như: đầu tư, thành lập doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, hôn nhân, đất đai, thừa kế, thuế, luật sư tranh tụng tại tòa. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn mọi thắc mắc của khách hàng như Luật sư tư vấn pháp luật qua Email, hotline 0972 798 172.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *