Tư vấn luật đất đai
QUAN HỆ PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI
Quan hệ pháp luật đất đai là một vấn đề rất quan trọng và phức tạp trong xã hội hiện đại. Việc sử dụng, quản lý và bảo vệ đất đai cần phải tuân theo những quy định pháp luật cụ thể. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các quan hệ pháp luật liên quan đến đất đai, giúp cho mọi người có thêm kiến thức và hiểu rõ hơn về quan hệ pháp luật đất đai.
QUAN HỆ PHÁP LUẬT LÀ GÌ?
Để tìm hiểu về quan hệ pháp luật đất đai, trước hết chúng ta cần phải hiểu được quan hệ pháp luật là gì? Quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật. Theo đó, quan hệ xã hội là quan hệ được hình thành từ tương tác xã hội, là những quan hệ giữa người với người được hình thành trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong quá trình sản xuất, phân phối, hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị, pháp luật, tư tưởng, đạo đức, văn hóa, v.v… của con người.
Quan hệ pháp luật mang tính ý chí: Quan hệ xã hội được xác lập, phát triển, tồn tại hay chấm dứt là dựa trên quy định của pháp luật. Trong toàn bộ hệ thống của pháp luật, mỗi ngành luật cụ thể sẽ điều chỉnh một nhóm các quan hệ xã hội khác nhau. Quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội mang tính chất ý chí. Ý chí của Nhà nước thể hiện thông qua các quy phạm pháp luật,Nhà nước ban hành và thừa nhận các quy phạm pháp luật. Một số quan hệ pháp luật sẽ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt dựa trên cơ sở ý chí của Nhà nước như quan hệ xử phạt hành chính, quan hệ pháp luật hình sự,… Quan hệ pháp luật còn mang ý chí của các chủ thể tham gia. Ý chí của các chủ thể phải phù hợp với ý chí của Nhà nước, thể hiện khác nhau trong từng quan hệ cụ thể, từng giai đoạn của quan hệ đó. Các quan hệ pháp luật làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt dựa trên ý chí của các bên tham gia trong khuôn khổ ý chí của nhà nước như quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ hợp đồng…
Quan hệ pháp luật được Nhà nước bảo đảm thực hiện: Trong các mối quan hệ pháp luật, các bên tham gia sẽ có các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể được pháp luật quy định, Nhà nước bảo đảm thực hiện. Quan hệ pháp luật được hình thành trên cơ sở các quy phạm pháp luật (do Nhà nước ban hành, thừa nhận) nên các quan hệ pháp luật được Nhà nước đảm bảo thực hiện, bảo vệ. Nhà nước bảo đảm thực hiện quan hệ pháp luật về vật chất, pháp lý, tổ chức…
Quan hệ pháp luật mang tính cụ thể: Quan hệ pháp luật mang tính cụ thể, bởi quan hệ pháp luật sẽ xác định cụ thể chủ thể tham gia quan hệ, nội dung các quyền và nghĩa vụ pháp lý.
Các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật: Các quan hệ pháp luật được cấu thành từ các yếu tố gồm chủ thể của quan hệ pháp luật, khách thể của quan hệ pháp luật và nội dung của quan hệ pháp luật. Mỗi loại quan hệ pháp luật đều có chủ thể nhất định, chủ thể trong các loại quan hệ pháp luật cụ thể đều phải đáp ứng được những điều kiện mà pháp luật quy định cho loại quan hệ pháp luật đó. Cùng với đó, các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật ràng buộc với nhau bằng các quyền và nghĩa vụ pháp lý là nội dung của quan hệ pháp luật, đây chính là yếu tố làm cho quan hệ pháp luật được thực hiện. Quyền của chủ thể này là nghĩa vụ của chủ thể kia và ngược lại. Còn khách thể của quan hệ pháp luật là lợi ích vật chất hoặc tinh thần mà các chủ thể pháp luật mong muốn đạt được khi tham gia các quan hệ pháp luật.
QUAN HỆ PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA QUAN HỆ PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI
Quan hệ pháp luật đất đai là quan hệ xã hội giữa các chủ thể phát sinh trong việc chiếm hữu, quản lý, khai thác sử dụng đất được quy phạm pháp luật của ngành luật đất đất đai điều chỉnh. Quan hệ pháp luật đất đai có đặc điểm liên quan đến việc chiếm hữu, quản lý và sử dụng đất đai – một loại tài sản đặc biệt. Trong đó Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai. Trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, quyền sở hữu đất đai sẽ thuộc về toàn dân, nhưng do toàn dân với tư cách là một cộng đồng xã hội không thể tự mình thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu đối với đất nên Nhà nước thay mặt toàn dân thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai.
Tùy vào mục đích khai thác sử dụng mà đất đai cũng như quan hệ đất đai sẽ mang trong mình những đặc điểm, tính chất riêng, cụ thể như sau:
– Nếu đất đai được sử dụng làm tư liệu sản xuất trong sản xuất nông, lâm, nghiệp thì quan hệ đất đai có tính chất kinh tế: thể hiện ở chi phí để tiếp cận đất đai và chi phí để thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước được hoạch toán vào giá thành sản phẩm.
– Nếu đất đai được sử dụng làm tư liệu tiêu dùng để ở thì quan hệ đất đai giữa các tổ chức, cá nhân mang yếu tố dân sự: thể hiện thông qua các giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất…
– Trường hợp đất đai là lãnh thổ quốc gia, nó được sử dụng để xây dựng trụ sở các cơ quan nhà nước, các cơ sở kinh tế xã hội, sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh. Dưới khía cạnh này, đất đai là tài tài sản công, nó thuộc đối tượng của quản lý hành chính nhà nước.
– Đất đai còn là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, do đó việc sử dụng đất gây thoái hóa, ô nhiễm đất còn liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Đặc điểm của quan hệ pháp luật đất đai:
– Quan hệ pháp luật đất đai là quan hệ giữa người với người trong xã hội. Chủ thể “người” ở đây được hiểu có thể là các cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước. Quan hệ này có thể là quan hệ phát sinh giữa các cơ quan quản lý nhà nước với người sử dụng đất, quan hệ giữa những người sử dụng đất với nhau, quan hệ giữa các cơ quan nhà nước khi thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước về đất đai. Quan hệ pháp luật đất đai không chỉ là quan hệ giữa các chủ thể sử dụng đất mà còn là quan hệ trong công tác quản lý đất đai giữa Nhà nước với các chủ thể sử dụng đất nói trên. Nhà nước sử dụng pháp luật để tác động vào những hành vi xử sự của các tổ chức cá nhân, hộ gia đình, tổ chức tham gia quan hệ đất đai nhằm đạt được các mục đích mà Nhà nước mong muốn trong quản lý và sử dụng đất.
Theo đó, Nhà nước sử dụng phương pháp Mệnh lệnh – Hành chính để điều chỉnh các quan hệ quản lý đất đai phát sinh giữa các Cơ quan quản lý đất đai với nhau hoặc giữa các cơ quan này với tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Trong mối quan hệ này, một bên là người quản lý đất đai có quyền ra mệnh lệnh và bên kia là đối tượng chịu sự quản lý có nghĩa vụ phải thực hiện vô điều kiện các mệnh lệnh này. Việc áp dụng phương pháp Mệnh lệnh – Hành chính trong luật đất đai có khác biệt so với việc áp dụng phương pháp này trong luật hành chính, đó là luật đất đai áp dụng mang tính mềm dẻo hơn: thể hiện trong quản lý đất đai, Nhà nước kết hợp việc quản lý hành chính về đất đai với các biện pháp kinh tế thông qua việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các nghĩa vụ tài chính trong sử dụng đất Phương pháp thứ hai được Nhà nước sử dụng trong quản lý là phương pháp bình đẳng, thỏa thuận. Phương pháp này được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực sử dụng đất như chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp quyền sử dụng đất… giữa những người sử dụng đất với nhau, theo mối quan hệ “chiều ngang” thể hiện sự bình đẳng về địa vị pháp lý giữa các bên, không bên nào được áp đặt ý chí của mình cho bên kia và ngược lại. Điểm khác biệt của việc áp dụng phương pháp Bình đẳng – thỏa thuận này trong luật đất đai với luật dân sự thể hiện ở việc Nhà nước vẫn can thiệp, kiểm soát, giám sát các hành vi thỏa thuận ý chí của người sử dụng đất trong quá trình sử dụng (sự thỏa thuận mang tính chất tương đối) thông qua các quy định về điều kiện chuyển quyền sử dụng đất, về trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quy định cho các bên sau khi thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất phải có nghĩa vụ mang tính chất bắt buộc là đăng ký đất đai tại Văn phòng hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Đồng thời không được tự thay đổi mục đích sử dụng đất mà Nhà nước đã xác định trước.
– Quan hệ pháp luật đất đai phải là loại quan hệ được các quy phạm pháp luật đất đai điều chỉnh, quy định cho các bên trong quan hệ có những quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định. Do đất đai được sử dụng vào các mục đích khác nhau nên quan hệ đất đai gắn bó chặt chẽ với các quan hệ về nhà ở, công trình xây dựng, cây cối trên đất,… Vì vậy, chỉ các quan hệ xã hội phát sinh trực tiếp từ việc chiếm hữu, quản lý và sử dụng đất mới thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành luật đất đai. Còn các quan hệ xã hội khác phát sinh có liên quan đến đất sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của các ngành luật tương ứng.
– Quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên trong quan hệ pháp luật đất đai được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế Nhà nước.
Xem thêm:
– Cách kiểm tra đất có đang bị tranh chấp hay không
– Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi không có sổ đỏ?
– Mẫu giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Trên đây là tư vấn về “Quan hệ pháp luật đất đai “. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả. Đội ngũ Luật sư của Alananhannguyen.com luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc và cung cấp dịch vụ liên quan đến tư vấn, soạn thảo các biểu mẫu của hồ sơ giao dịch về quyền sử dụng đất, tư vấn pháp luật và các vấn đề pháp lý khác của bạn. Nếu có những vấn đề nào chưa rõ cần được tư vấn pháp luật trực tiếp hoặc tư vấn pháp luật trực tuyến, quý độc giả hãy liên hệ ngay tới hotline: 0972 798 172 để được các chuyên gia pháp lý của Luật Alana Nhàn Nguyễn tư vấn, hỗ trợ.