HỘ KINH DOANH – CÁCH THÀNH LẬP VÀ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG

Bài viết “Hộ kinh doanh – Cách thành lập và điều kiện hoạt động” giới thiệu về khái niệm và quy trình thành lập hộ kinh doanh, một hình thức kinh doanh nhỏ lẻ đang được nhiều người lựa chọn. Các luật sư của Alananhannguyen.com cũng giải đáp những thắc mắc phổ biến về các điều kiện, thủ tục cần thiết để thành lập hộ kinh doanh, cách quản lý và hoạt động hộ kinh doanh theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, bài viết cũng đề cập đến các lợi ích và hạn chế của hình thức kinh doanh này, giúp độc giả có cái nhìn tổng quan về hộ kinh doanh và có thể đưa ra quyết định phù hợp khi muốn kinh doanh 

Hộ kinh doanh - Cách thành lập và điều kiện hoạt động

HỘ KINH DOANH

Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh. (Căn cứ Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

ĐẶC ĐIỂM CỦA HỘ KINH DOANH

– Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, không được phép phát hành chứng khoá, không được phép mở chi nhánh, văn phòng đại diện như doanh nghiệp.

– Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh.

– Mỗi cá nhân, hộ gia đình chỉ được đăng ký 01 hộ kinh danh cá thể trên phạm vi toàn quốc. Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

– Chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

– Chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.

– Vốn hộ kinh doanh không bị giới hạn, tùy thuộc vào quy mô và nhu cầu kinh doanh của hộ kinh doanh mà các cá nhân, thành viên hộ gia đình sẽ góp vốn đầu tư, trừ trường hợp hộ kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

– Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh bằng toàn bộ tài sản của mình.

CHỦ THỂ NÀO CÓ QUYỀN THÀNH LẬP HỘ KINH DOANH

Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc hộ gia đình nếu đáp ứng được các điều kiện sau đều có thể đăng ký thành lập hộ kinh doanh:

– Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh trừ các trường hợp sau đây:

+ Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

– Cá nhân, thành viên hộ gia đình không đang đăng ký và hoạt động kinh doanh dưới tên một hộ kinh doanh khác, tức mỗi cá nhân, thành viên hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.

– Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

NGÀNH NGHỀ KINH DOANH CỦA HỘ KINH DOANH

Hộ kinh doanh có thể kinh doanh bất cứ ngành nghề nào pháp luật không cấm. Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.

Theo đó, các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh là:

  • Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật Đầu tư 2020;
  • Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư 2020;
  • Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư 2020;
  • Kinh doanh mại dâm;
  • Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
  • Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
  • Kinh doanh pháo nổ;
  • Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020:

  • Sản xuất con dấu
  • Kinh doanh công cụ hỗ trợ (bao gồm cả sửa chữa)
  • Kinh doanh các loại pháo, trừ pháo nổ
  • Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị
  • Kinh doanh súng bắn sơn
  • Kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng
  • Kinh doanh dịch vụ cầm đồ
  • Kinh doanh dịch vụ xoa bóp
  • Kinh doanh thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên
  • Kinh doanh dịch vụ bảo vệ
  • Kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy
  • ……

ĐỊA ĐIỂM KINH DOANH CỦA HỘ KINH DOANH

Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.

TÊN HỘ KINH DOANH

Hộ kinh doanh có tên gọi riêng.Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

– Cụm từ “Hộ kinh doanh” + Tên riêng của hộ kinh doanh

– Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.

– Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.

– Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.

– Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.

MÃ SỐ ĐĂNG KÝ HỘ KINH DOANH

Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ ghi mã số đăng ký hộ kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo cấu trúc:

  • Mã cấp tỉnh: 02 ký tự bằng số;
  • Mã cấp huyện: 01 ký tự bằng chữ cái tiếng Việt;
  • Mã loại hình: 01 ký tự, 8 = hộ kinh doanh;
  • Số thứ tự hộ kinh doanh: 06 ký tự bằng số, từ 000001 đến 999999.

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ HỘ KINH DOANH

Đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.

HỒ SƠ ĐĂNG KÝ HỘ KINH DOANH BAO GỒM:

  • Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
  • Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
  • Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

QUY TRÌNH THỰC HIỆN:

– Nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh

– tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.

– Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận

– Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).

Nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho Cơ quan thuế cung cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.

MỘT SỐ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ HỘ KINH DOANH

– Hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh tự kê khai hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh.

– Chủ hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh

– Chủ hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.

– Chủ hộ kinh doanh có trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.

– Trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

– Khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh phải gửi thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký.

Xem thêm:

– Đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư nhà nước

– Điều kiện chia tách công ty/doanh nghiệp

– Thông báo giải thể công ty cổ phần

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trên đây là tư vấn về “Hộ kinh doanh – Cách thành lập và điều kiện hoạt động“. Đội ngũ Luật sư của Công ty Luật Alana Nhàn Nguyễn luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc và cung cấp dịch vụ liên quan đến tư vấn ly hôn, lao động, hình sự, dân sự, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các dịch vụ thuế khác liên quan đến doanh nghiệp của bạn. Nếu có những vấn đề nào chưa rõ cần được tư vấn pháp luật trực tiếp hoặc tư vấn qua email, quý độc giả hãy liên hệ ngay tới các chuyên gia pháp lý của Luật Alana Nhàn Nguyễn tư vấn, hỗ trợ qua hotline: 0972 798 172.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *