THỦ TỤC KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ

KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ LÀ GÌ?

Khai nhận di sản thừa kế được hiểu là thủ tục để nhằm xác lập quyền tài sản đối với di sản do người chết để lại cho người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật. 

Theo đó, căn cứ theo Điều 58 Luật Công chứng 2014 khai nhận di sản thừa kế chỉ áp dụng trong 02 trường hợp:

– Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật;

– Những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó.

Như vậy, người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng, chứng thực Văn bản khai nhận di sản. Ngoài ra, những người được hưởng di sản thừa kế có thể thỏa thuận để phân chia di sản thừa kế trong trường hợp thừa kế theo pháp luật hoặc thừa kế theo di chúc (mà di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người) thì có quyền yêu cầu công chứng, chứng thực Văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế

KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ KHI NÀO VÀ Ở ĐÂU?

Sau khi người có tài sản chết, những người có quyền lợi liên quan cần phải làm “Thủ tục Khai tử” tại UBND cấp xã nơi cư trú của người mất để lại di sản và “Tiến hành Mở thừa kế” .

– Địa điểm mở thừa kế: Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản. (Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015)

– Thời điểm mở thừa kế: Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết. Pháp luật không bắt buộc những người được hưởng di sản thừa kế phải thực hiện thủ tục khai nhận di sản tại UBND cấp có thẩm quyền hay tại tổ chức hành nghề công chứng (Theo Bộ luật dân sự và Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì việc khai nhận di sản thừa kế tại UBND được thực hiện theo sự lựa chọn của những người thừa kế). 

Những người được hưởng di sản thừa kế có thể tiến hành khai nhận di sản thừa kế bằng cách: Yêu cầu Công chứng Văn bản khai nhận di sản tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc yêu cầu Chứng thực Văn bản khai nhận di sản tại UBND cấp có thẩm quyền.

ĐỐI VỚI VIỆC CÔNG CHỨNG VĂN BẢN KHAI NHẬN DI SẢN:

Những người được hưởng di sản có thể thực hiện Công chứng Văn bản khai nhân di sản tại tổ chức hành nghề công chứng: Phòng công chứng (Nhà nước) hoặc Văn phòng công chứng (tư nhân).

Trường hợp di sản thừa kế là bất động sản thì chỉ được tiến hành khai nhận di sản thừa kế, công chứng Văn bản khai nhận di sản tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản, được quy định tại Điều 42 Luật Công chứng năm 2014 như sau: “Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản”.

ĐỐI VỚI VIỆC CHỨNG THỰC VĂN BẢN KHAI NHẬN DI SẢN:

Những người được hưởng di sản có thể thực hiện Chứng thực Văn bản khai nhận di sản tại UBND cấp có thẩm quyền. Theo Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì việc khai nhận di sản thừa kế và chứng thực việc khai nhận thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã, như sau:

– Trường hợp di sản thừa kế là động sản: Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện (quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) có thẩm quyền giải quyết trường hợp khai nhận di sản thừa kế mà di sản là động sản.

– Trường hợp di sản thừa kế có Bất động sản: UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) có thẩm quyền giải quyết đối với trường hợp khai nhận di sản thừa kế mà di sản là liên quan đến bất động sản (đất đai, nhà ở).

HỒ SƠ KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 57 Luật Công chứng năm 2014, hồ sơ khai nhận di sản thừa kế có thể gồm các giấy tờ sau:

– Một là, Giấy chứng tử/trích lục khai tử của người mất  để lại di sản

– Hai là, Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế trong trường hợp thừa kế theo pháp luật (Giấy khai sinh, Giấy đăng ký kết hôn,…)

– Ba là, Giấy tờ tùy thân của các đồng thừa kế (CMND/CCCD, Sổ hộ khẩu/ Thông báo xác nhận nhận số định danh cá nhân)

– Bốn là, Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản (trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu) (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy đăng ký xe, Bản án ly hôn, Văn bản tặng cho tài sản…)

– Năm là, Dự thảo Văn bản khai nhận di sản (nếu có)

– Sáu là, Phiếu yêu cầu công chứng khi chọn công chứng  Văn bản khai nhận di sản tại tổ chức hành nghề công chứng.

THỦ TỤC KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ

Tổ chức hành nghề công chứng, UBND xã có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng Văn bản khai nhận di sản trước khi thực hiện việc công chứng. Khi làm thủ tục khai nhận bắt buộc phải có những người nhận thừa kế có mặt ký tên, trường hợp người nào vắng mặt thì phải có giấy ủy quyền cho người khác hoặc những người còn lại. 

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, các giấy tờ cần thiết như đã nêu trên (trường hợp các giấy tờ chỉ có 1 bản chính, nên chuẩn bị thêm các bản sao có công chứng để khi thực hiện khai nhân, các cơ quan, tổ chức thực hiện sẽ lưu giữ 01 bản).

Bước 2: Tiến hành khai nhận di sản và thụ lý Văn bản khai nhận di sản 

Những người được hưởng di sản tiến hành khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại UBND cấp có thẩm quyền.

– Đối với trường hợp khai nhận di sản là động sản, tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản là nhà ở tại UBND thì Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND cấp xã:

+ Người thực hiện chứng thực (thường là Công chức tư pháp) phải đối chiếu chữ ký của những người thừa kế trong văn bản khai nhận di sản.

  • Trường hợp người khai nhận di sản thừa kế không ký được thì phải điểm chỉ
  • Trường hợp người khai nhận di sản không đọc được, không nghe được, không ký được, không điểm chỉ được thì phải có 02 người (không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc thừa kế và có đủ năng lực hành vi dân sự) làm chứng

+ Người thực hiện chứng thực Văn bản khai nhận di sản tiến hành ghi lời chứng vào văn bản; Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND cấp xã; ghi vào sổ chứng thực. 

Bước 3: Niêm yết việc thụ lý Văn bản khai nhận di sản về chứng thực Văn bản khai nhận di sản tại UBND cấp có thẩm quyền: 

– Việc thụ lý chứng thực Văn bản khai nhận di sản: Không phải thực hiện niêm yết

– Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định thủ tục niêm yết đối với các trường hợp chứng thực về văn bản khai nhận di sản thừa kế, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Do đó, Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn về thủ tục và thời hạn niêm yết đối với các trường hợp chứng thực về văn bản khai nhận di sản thừa kế, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là “không nhất thiết phải quy định bổ sung về thủ tục niêm yết hay các giấy tờ mà người dân phải nộp giống như khi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch

– Trích từ Bản tổng hợp trả lời kiến nghị địa phương 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Tư pháp Về công chứng Văn bản khai nhận di sản: (Căn cứ Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP)

– Việc thụ lý công chứng văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết

– Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) thực hiện tại trụ sở của UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó. Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản và trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tổ chức hành nghề công chứng đề nghị UBND cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.

– Trường hợp di sản có bất động sản (gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản): niêm yết tại UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng (hoặc nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng) của người để lại di sản và tại UBND cấp xã nơi có bất động sản.

– Nội dung niêm yết phải nêu rõ:

  • Họ, tên người để lại di sản;
  • Họ, tên của những người khai nhận di sản;
  • Quan hệ của những người khai nhận di sản với người để lại di sản;
  • Danh mục di sản thừa kế.
  • Thông báo niêm yết phải ghi rõ: Nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản, bỏ sót người thừa kế, di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó phải gửi cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện niêm yết

– Sau 15 ngày, UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết. 

Bước 4: Công chứng Văn bản khai nhận di sản 

Sau thời hạn này mà không có tranh chấp gì thì công chứng viên tiến hành lập lời chứng, chứng nhận Văn bản khai nhận di sản cho người yêu cầu công chứng Trường hợp di sản thừa kế thuộc loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì người được hưởng di sản đó phải đi đăng ký theo quy định pháp luật, việc đăng ký phải kèm theo Văn bản khai nhận di sản đã được công chứng hoặc chứng thực. 

Xem thêm: 

– Thời hiệu khởi kiện vụ án tranh chấp về chia di sản thừa kế

– Người thừa kế theo pháp luật gồm những ai?

– Thủ tục làm di chúc thừa kế đất đai

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trên đây là tư vấn về “Thủ tục khai nhận di sản thừa kế“. Công ty Luật Alana Nhàn Nguyễn cung cấp các giải pháp, dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp, tổ chức, các cá nhân trong các lĩnh vực như: đầu tư, thành lập doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, hôn nhân, đất đai, thừa kế, thuế, luật sư tranh tụng tại tòa. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn mọi thắc mắc của khách hàng như Luật sư tư vấn pháp luật qua Email, hotline 0972 798 172.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *