QUY ĐỊNH VỀ YÊU CẦU KHỞI KIỆN, ĐIỀU KIỆN KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ

KHÁI NIỆM

Khởi kiện vụ án dân sự có thể hiểu là hành vi của các cá nhân, tổ chức, cơ quan tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp đưa vấn đề có tranh chấp ra trước tòa án có thẩm quyền theo trình tự và thủ tục pháp luật quy định nhằm yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Căn cứ theo Điều 4 BLTTDS 2015, Alananhannguyen.com có những tư vấn như sau:

“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.

2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng. Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.”

điều kiện khởi kiện vụ án dân sự

QUY ĐỊNH VỀ YÊU CẦU KHỞI KIỆN

VỀ CHỦ THỂ:

Chủ thể có quyền yêu cầu khởi kiện vụ án dân sự theo Điều 4 BLTTDS là các chủ thể quy định tại Điều 168 BLTTDS bao gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền.

VỀ MỤC ĐÍCH CỦA YÊU CẦU KHỞI KIỆN:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân không chỉ có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án  bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà nay còn có thể khởi kiện để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước.

QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHI THAM GIA CÁC GIAO DỊCH DÂN SỰ ĐƯỢC PHÁP LUẬT BẢO VỆ

Quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia các giao dịch dân sự được pháp luật bảo vệ, trong mọi trường hợp khi có đơn yêu cầu khởi kiện vụ án dân sự Tòa án không được từ chối giải quyết vì lý do chưa có điều luật áp dụng. Bên cạnh đó, khi giải quyết các vụ án chưa có điều luật áp dụng thì Tòa án áp dụng Tập quán (Điều 5 BLDS năm 2015), trong trường hợp không có thỏa thuận, pháp luật không quy định hoặc không có tập quán để áp dụng thì áp dụng nguyên tắc tương tự pháp luật (Điều 6, BLDS năm 2015). Trong trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng nguyên tắc cơ bản của BLDS, án lệ và lẽ công bằng.

QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KHỞI KIỆN

VỀ CHỦ THỂ KHỞI KIỆN

Theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo Điều 187 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định Quyền khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cụ thể:

  • Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
  • Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  • Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
  • Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

Theo Điều 69 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 chủ thể khởi kiện phải có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự:

  • Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.
  • Chủ thể khởi kiện là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.
  • Chủ thể dưới 18 tuổi hoặc không có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự phải có người đại diện theo pháp luật hoặc theo quyết định của Tòa án khi tham gia tố tụng.

VỤ ÁN KHỞI KIỆN PHẢI THUỘC THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN

Thẩm quyền của Tòa án trong vụ án dân sự được quy định như sau:

– Thẩm quyền theo loại vụ việc:

  • Những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại các Điều 26, 28, 30, 32 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
  • Trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.

– Thẩm quyền theo cấp: Thẩm quyền theo cấp của Tòa án được quy định cụ thể tại các Điều 35, 36, 37, 38 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và chia theo 4 cấp:

  • Tòa án nhân dân cấp huyện;
  • Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp huyện;
  • Tòa án nhân dân cấp tỉnh;
  • Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

– Thẩm quyền theo lãnh thổ: Thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án được quy định cụ thể tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN

Theo Điều 154, 155 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Luật sư Nguyễn Thị Nhàn tư vấn về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự quy định như sau:

– Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

  • Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
  • Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp có quy định khác.
  • Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
  • Trường hợp khác do luật quy định.

– Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

CHƯA ĐƯỢC GIẢI QUYẾT BẰNG MỘT BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN HOẶC QUYẾT ĐỊNH CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT

Chủ thể khởi kiện được quyền khởi kiện nếu vụ án chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật. Theo điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, nếu sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện trong, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn đối với:

  • Yêu cầu ly hôn;
  • Yêu cầu thay đổi nuôi con;
  • Thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại;
  • Yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản,
  • Vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ.

Đối với những trường hợp trên mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.

Xem thêm:

– Địa điểm báo tin, tố giác tội phạm có sử dụng công nghệ cao

– Có thể bị phạt tù đến 3 năm nếu quay lén phim chiếu rạp rồi tung lên mạng

– Các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trên đây là tư vấn về “Quy định về yêu cầu khởi kiện, điều kiện khởi kiện vụ án dân sự”. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả. Đội ngũ Luật sư của Alananhannguyen.com luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc và cung cấp dịch vụ liên quan đến pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, đất đai, hình sự, doanh nghiệp, hồ sơ, mẫu đơn,… của bạn. Nếu có những vấn đề nào chưa rõ cần được tư vấn pháp luật trực tiếp hoặc tư vấn pháp luật trực tuyến, quý độc giả hãy liên hệ ngay tới hotline: 0972 798 172 để được các chuyên gia pháp lý của Luật Alana Nhàn Nguyễn tư vấn, hỗ trợ.

CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

(1) YÊU CẦU PHẢN TỐ LÀ GÌ?

Yêu cầu phản tố là yêu cầu của bị đơn trong trường hợp luật định có quyền đưa ra yêu cầu phản bác ý kiến của nguyên đơn hoặc yêu cầu tố ngược lại nguyên đơn khi cho rằng nguyên đơn là bên xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.

(2) ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC COI LÀ YÊU CẦU PHẢN TỐ LÀ GÌ?

Yêu cầu của bị đơn chỉ được coi là yêu cầu phản tố khi đáp ứng được một trong các điều kiện sau:
+ Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
+ Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
+ Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *