NỘP THUẾ ĐẤT HÀNG NĂM Ở ĐÂU?

CÁC LOẠI THUẾ, PHÍ PHẢI NỘP KHI SỬ DỤNG ĐẤT 

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình khi sử dụng đất phải tuân thủ đúng quy định pháp luật và phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai (nếu có). Theo đó, những loại thuế phí liên quan đến đất đai mà tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có thể phải đóng bao gồm: Tiền sử dụng đất; Tiền thuê đất; Thuế sử dụng đất; Lệ phí trước bạ; Thuế thu nhập cá nhân/thu nhập doanh nghiệp khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 

Nộp thuế đất hàng năm ở đâu, hướng dẫn nộp thuế đất

 – Tiền sử dụng đất: là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.khi được Nhà nước giao hoặc công nhận QSDĐ (Khoản 21 Điều 3 Luật Đất Đai 2013) 

– Tiền thuê đất: Thuê đất là một hình thức mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thể lựa chọn khi thuê sử dụng đất  vào các mục đích như sản xuất, kinh doanh….Tiền thuê đất được của Nhà nước tổ chức thực hiện theo hai hình thức cơ bản: thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm và thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. 

– Thuế sử dụng đất: Theo Luật Quản lý thuế thì thuế được hiểu là là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế. Theo đó, thuế sử dụng đất hàng năm gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. 

– Lệ phí trước bạ: Lệ phí trước bạ (LPTB) là khoản thu khi các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu sử tài sản gắn liền với đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sẽ phải đóng thêm khoản thuế  thu nhập cá nhân/thuế thu nhập doanh nghiệp khi chuyển nhượng, nhận tặng cho… quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Với thuế sử dụng đất nông nghiệp, theo quy định hiện hành thì loại thuế này đang được miễn đến hết ngày 31/12/2020 theo Nghị quyết số 55/2010/QH12Nghị quyết số 28/2016/QH14 để thực hiện chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT HÀNG NĂM

ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

– Các hộ gia đình nông dân, hộ tư nhân và cá nhân.

– Các tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất dành cho nhu cầu công ích của xã.

– Các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản bao gồm nông trường, lâm trường, xí nghiệp, trạm trại và các doanh nghiệp khác,

– Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức xã hội và các đơn vị khác sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.

ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT PHI NÔNG NGHIỆP

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được áp dụng cho đất ở nông thôn, đất ở đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (bao gồm: đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất khai thác, chế biến khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm) và đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng một trong các loại đất sau:

– Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.

– Đất sản xuất vật liệu xây dựng, đất để khai thác nguyên liệu và đất làm mặt bằng chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.

– Đất phi nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế như đất sử dụng vào mục đích công cộng, đất làm nghĩa trang, nghĩa địa,…nhưng lại được các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích kinh doanh.

LƯU Ý

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế bao gồm:

+ Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư là người nộp thuế.

+ Người nhận chuyển nhượng sẽ nộp thuế trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân khác.

+ Người cho thuê nhà sẽ nộp thuế trong trường hợp cho thuê nhà thuộc sở hữu của nhà nước.

+ Người được nhà nước giao đất, cho thuê đất sẽ nộp thuế khi được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án xây nhà ở để bán hoặc cho thuê.

+ Pháp nhân mới là người nộp thuế trong trường hợp người có quyền sử dụng đất góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới.

– Trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người đang sử dụng đất là người nộp thuế. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất;

-Trường hợp nhiều người cùng có quyền sử dụng một thửa đất thì người nộp thuế là người đại diện hợp pháp của những người cùng có quyền sử dụng thửa đất đó;

– Trường hợp được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án xây nhà ở để bán, cho thuê thì người nộp thuế là người được nhà nước giao đất, cho thuê đất. Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân khác thì người nộp thuế là người nhận chuyển nhượng. 

KÊ KHAI VÀ NỘP THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT

NƠI NỘP THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT HÀNG NĂM

Người sử dụng đất nộp thuế trực tiếp tại Chi cục thuế nơi có đất hoặc có thể đăng ký nộp qua mạng trên trang thuế điện tử của Tổng cục thuế

KÊ KHAI THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT HÀNG NĂM

Trước khi nộp thuế, người sử dụng đất phải tiến hành khai thuế. Căn cứ khoản 3 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thuế sử dụng đất là loại thuế khai theo năm. Thủ tục khai thuế được thực hiện tại cơ quan thuế huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc trung ương hoặc nơi cơ quan thuế ủy quyền. Trường hợp người nộp thuế ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn thì có thể khai thuế tại UBND xã. Dựa trên tờ khai người nộp thuế nộp, Chi cục thuế sẽ dựa vào đó để tính thuế cho người nộp thuế. Hàng năm, người nộp thuế sẽ không cần kê khai lại thuế nếu như không có sự thay đổi về người nộp thuế và các yếu tố khác làm thay đổi số thuế phải nộp. Trường hợp có thay đổi về người nộp thuế hoặc các yếu tố làm thay đổi số thuế phải nộp thì người nộp thuế phải có trách nhiệm kê khai lại trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thay đổi nói trên.

THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT PHI NÔNG NGHIỆP

Người nộp thuế khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo năm đối với từng thửa đất và khai tổng hợp đối với đất ở trong trường hợp có quyền sử dụng đất đối với nhiều thửa đất cùng một quận, huyện hoặc tại nhiều quận, huyện trong cùng một địa bàn cấp tỉnh. Người nộp thuế không phải khai tổng hợp đối với các trường hợp sau đây:

– Người nộp thuế có quyền sử dụng đất đối với một thửa đất hoặc nhiều thửa đất tại cùng một quận, huyện nhưng tổng diện tích đất chịu thuế không vượt hạn mức đất ở tại nơi có quyền sử dụng đất.

– Người nộp thuế có quyền sử dụng đất đối với nhiều thửa đất ở tại các quận, huyện khác nhau nhưng không có thửa đất nào vượt hạn mức và tổng diện tích các thửa đất chịu thuế không vượt quá hạn mức đất ở nơi có quyền sử dụng đất. 

Các trường hợp được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp:

– Đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư (đặc biệt ưu đãi đầu tư); dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư (ưu đãi đầu tư) tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; đất của doanh nghiệp sử dụng trên 50% số lao động là thương binh, bệnh binh.

– Đất của cơ sở thực hiện xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường gồm:

+ Các cơ sở ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các lĩnh vực xã hội hóa;

+ Các tổ chức, cá nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có các dự án đầu tư, liên doanh, liên kết hoặc thành lập các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Các cơ sở sự nghiệp công lập thực hiện góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật thành lập các cơ sở hạch toán độc lập hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xã hội hóa do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ quản lý chuyên ngành có liên quan. Các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường phải đáp ứng quy định về tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

– Đất xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, cơ sở nuôi dưỡng người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi, cơ sở chữa bệnh xã hội.

– Đất ở trong hạn mức tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

– Đất ở trong hạn mức của người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945; thương binh hạng 1/4, 2/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 1/4, 2/4; bệnh binh hạng 1/3; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; mẹ Việt Nam anh hùng; cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ khi còn nhỏ; vợ, chồng của liệt sỹ; con của liệt sỹ đang được hưởng trợ cấp hàng tháng; người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc da cam; người bị nhiễm chất độc da cam mà hoàn cảnh gia đình khó khăn.

– Đất ở trong hạn mức của hộ nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quy định cụ thể chuẩn hộ nghèo áp dụng tại địa phương theo quy định của pháp luật thì căn cứ vào chuẩn hộ nghèo do địa phương ban hành để xác định hộ nghèo.

– Hộ gia đình, cá nhân trong năm bị thu hồi đất ở theo quy hoạch, kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được miễn thuế trong năm thực tế có thu hồi đối với đất tại nơi bị thu hồi và đất tại nơi ở mới.

– Đất có nhà vườn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận là di tích lịch sử – văn hoá.

– Người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất trên 50% giá tính thuế. Trường hợp này, người nộp thuế phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất bị thiệt hại.

– Miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm sau khi trừ đi số thuế được miễn, giảm (nếu có) theo quy định của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các văn bản hướng dẫn) từ năm mươi nghìn đồng trở xuống. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhiều thửa đất trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì việc miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định tại điều này được tính trên tổng số thuế phải nộp của tất cả các thửa đất. Trình tự, thủ tục miễn tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hướng dẫn tại điều này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 153/2011/TT-BTC. Đối với các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư này nhưng đã nộp thuế vào NSNN thì cơ quan thuế thực hiện việc hoàn trả theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.

THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Thuế sử dụng đất nông nghiệp có đặc điểm đó là chỉ thu vào việc sử dụng hoặc có quyền sử dụng đất, không thu vào hoa lợi trên đất vì vậy có tác dụng giảm nhẹ gánh nặng thuế cho người nộp thuế. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp đều phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp. Trường hợp được giao quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không sử dụng vẫn phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 107/2020/QH14 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết 55/2010/QH12 ngày 24.11.2010 đã được sửa đổi bởi Nghị quyết 28/2016/QH14 ngày 11.11.2016. Theo đó, kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31.12.2025 đối với các đối tượng sau đây:

– Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.

– Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo.

– Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng sau đây:

+ Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất;

+ Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật;

+ Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.

– Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.

Xem thêm:

– Cách kiểm tra đất có đang bị tranh chấp hay không

– Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi không có sổ đỏ?

– Mẫu giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trên đây là tư vấn về “Nộp thuế đất hàng năm ở đâu?“. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả. Đội ngũ Luật sư của Alananhannguyen.com luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc và cung cấp dịch vụ liên quan đến tư vấn, soạn thảo các biểu mẫu của hồ sơ giao dịch về quyền sử dụng đất, dịch vụ tư vấn về đất đai  và các vấn đề pháp lý khác của bạn. Nếu có những vấn đề nào chưa rõ cần được tư vấn pháp luật trực tiếp hoặc tư vấn pháp luật trực tuyến, quý độc giả hãy liên hệ ngay tới hotline: 0972 798 172 để được các chuyên gia pháp lý của Alananhannguyen.com tư vấn, hỗ trợ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *