Tư vấn luật đất đai
LỆ PHÍ KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
Căn cứ khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai Một số trường hợp tranh chấp đất đai:
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất (tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đất)
- Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, bảo lãnh, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, …)
- Tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất
- Tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất khi ly hôn
LỆ PHÍ KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
Theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, lệ phí tòa án là lệ phí phải nộp để Tòa giải quyết các yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và các thủ tục khác như:
(1) Lệ phí công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam hoặc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
(2) Lệ phí giải quyết yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại;
(3) Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
(4) Lệ phí xét tính hợp pháp của cuộc đình công;
(5) Lệ phí bắt giữ tàu biển, tàu bay;
(6) Lệ phí thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam;
(7) Lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài;
(8) Lệ phí cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu tại Tòa án (bao gồm: Lệ phí sao chụp tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ việc do Tòa án thực hiện; Lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định của Tòa án; Lệ phí cấp bản sao quyết định xóa án tích; Lệ phí cấp bản sao các giấy tờ khác của Tòa án).
Còn để giải quyết các tranh chấp đương sự phải nộp án phí bao gồm: Án phí hình sự; Án phí dân sự gồm có các loại án phí giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và Án phí hành chính. Án phí có thể là án phí sơ thẩm hoặc án phí phúc thẩm, tùy thuộc vào loại thủ tục mà đương sự thực hiện.
Như vậy, khi khởi kiện tranh chấp đất đai chủ thể sẽ phải chịu một khoản tiền là án phí chứ không phải là lệ phí tòa án vì đây là việc yêu cầu giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể chứ không phải là việc yêu cầu công nhận/không công nhận một sự kiện pháp lý nào đó hoặc việc tiến hành thực hiện các thủ tục khác tại tòa.
CÁC LOẠI PHÍ KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
Khi khởi kiện tranh chấp đất đai, chủ thể phải đóng một khoản tiền bao gồm là Tiền tạm ứng án phí khi nộp đơn khởi kiện và Án phí khi Tòa ra bản án. (Căn cứ Điều 195 và Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Khi bắt đầu khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai, người nộp đơn khởi kiện (nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập) sẽ là người thực hiện nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng án phí tranh chấp đất đai để Tòa án tiến hành thụ lý vụ án, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định pháp luật.
Khi đương sự (là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) có yêu cầu xét xử một vụ án tranh chấp đất đai do Tòa án có thẩm quyền giải quyết thì đương sự phải nộp một khoản chi phí (gọi là án phí) vào ngân sách nhà nước.
Pháp luật quy định mức án phí tùy theo cấp xét xử (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) và tùy theo vụ việc tranh chấp. Về tiền tạm ứng án phí: Thẩm phán chỉ thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Theo đó, sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán sẽ thông báo ngay cho người khởi kiện biết để đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí (trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí) Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Về án phí khi Tòa ra bản án: Căn cứ quy định tại Điều 147 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 và khoản 2 Điều 26 Nghị định số 326/2016/UBTVQH14 thì chủ thể chịu án phí trong vụ án tranh chấp đất đai là:
– Đương sự (người khởi kiện) phải chịu án phí sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.
– Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.
– Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.
– Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.
– Các bên đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.
– Trong vụ án có người không phải chịu án phí hoặc được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.
– Trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết thì nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm được quyết định khi vụ án được tiếp tục giải quyết theo quy định.
MỨC ÁN PHÍ VÀ TẠM ỨNG ÁN PHÍ
Mức án phí
Theo khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
– Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch (án phí là 300.000 đồng).
– Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng.
Mức tạm ứng án phí
– Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.
– Mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án dân sự bằng mức án phí dân sự phúc thẩm. (Căn cứ Điều 7 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14).
– Giá tài sản làm cơ sở thu tạm ứng án phí: Giá tài sản làm cơ sở thu tạm ứng án phí được ưu tiên áp dụng theo thứ tự sau:
(1) Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
(2) Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;
(3) Giá trên tài liệu gửi kèm hồ sơ giải quyết vụ án;
(4) Giá thị trường tại thời điểm và địa điểm xác định giá tài sản;
(5) Trường hợp không thể căn cứ vào các điều trên để xác định giá trị tài sản tranh chấp thì Tòa án gửi văn bản đề nghị cơ quan tài chính cùng cấp có ý kiến về việc xác định giá tài sản. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tài chính phải có ý kiến trả lời về việc xác định giá trị tài sản. Hết thời hạn này mà Tòa án không nhận được văn bản trả lời của cơ quan tài chính cùng cấp thì Tòa án ấn định mức tạm ứng án phí. Trường hợp một trong các cơ sở (1),(2),(3),
(4) này đã xác định được giá trị tài sản để tính tiền tạm ứng án phí thì không xem xét đến các cơ sở tiếp theo. (Căn cứ Điều 8 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14).
Án phí, tạm ứng án phí có giá ngạch và không có giá ngạch Căn cứ Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể. Còn vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể. Theo đó, các mức án phí, lệ phí cụ thể có thể tham khảo tại Danh mục án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016.
Xem thêm:
– Cách kiểm tra đất có đang bị tranh chấp hay không
– Tranh chấp đất đai có bắt buộc phải hòa giải trước khi khởi kiện?
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Trên đây là tư vấn về “Lệ phí khởi kiện tranh chấp đất đai “. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả. Đội ngũ Luật sư của Alananhannguyen.com luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc và cung cấp dịch vụ liên quan đến tư vấn, soạn thảo các biểu mẫu của hồ sơ giao dịch về quyền sử dụng đất, dịch vụ tư vấn về đất đai, tư vấn về đăng ký doanh nghiệp và các vấn đề pháp lý khác của bạn. Nếu có những vấn đề nào chưa rõ cần được tư vấn pháp luật trực tiếp hoặc tư vấn pháp luật trực tuyến, quý độc giả hãy liên hệ ngay tới hotline: 0972 798 172 để được các chuyên gia pháp lý của Alananhannguyen.com tư vấn, hỗ trợ.