LỆ PHÍ ĐO ĐẠC ĐẤT ĐAI (ĐỊA CHÍNH) KHI CẤP SỔ ĐỎ, TÁCH THỬA

Lệ phí đo đạc địa chính khi cấp sổ đỏ, tách thửa đất mới nhất

ĐO ĐẠC ĐẤT ĐAI LÀ GÌ?

Đo đạc đất đai hay trích đo thửa đất có thể hiểu là việc đo đạc sử dụng các thiết bị kỹ thuật để xác định diện tích thửa đất với các ranh giới, mốc giới cụ thể nhằm phục vụ cho công tác quản lý hành chính nhà nước về đất đai hoặc để người sử dụng đất thực hiện các thủ tục hành chính.

Việc đo đạc đất đai, trích đo thửa đất có thể dùng để lập bản đồ địa chính, cập nhật chỉnh lý, bổ sung, đo vẽ lại bản đồ địa chính được thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước, xuất phát từ chính nhu cầu quản lý nhà nước về đất đai.

Theo quy định của Luật đất đai năm 2013 việc đo đạc, lập bản đồ địa chính được thực hiện chi tiết đến từng thửa đất theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Việc chỉnh lý bản đồ địa chính được thực hiện khi có sự thay đổi về hình dạng kích thước diện tích thửa đất và các yếu tố khác có liên quan đến nội dung bản đồ địa chính. Bên cạnh đó, việc đo đạc đất đai cũng có thể xuất phát từ phía người dân, chịu phí và thực hiện để đo đạc, đo đạc lại, xác định ranh giới giữa các thửa đất liền kề với mục đích cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, cấp đổi, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa hợp thửa, tranh chấp đất đai…

NHỮNG TRƯỜNG HỢP NÀO CẦN ĐO ĐẠC ĐẤT ĐAI?

Căn cứ khoản 1 Điều 17 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, việc đo đạc đất đai có thể được thực hiện trong các trường hợp hoặc khi có các thay đổi sau:

– Thay đổi diện tích, ranh giới so với số liệu ghi trên Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 đã cấp;

– Thay đổi mục đích sử dụng đất, trường hợp xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất;

– Thay đổi thông tin về tình trạng pháp lý của thửa đất;

– Thay đổi về  mốc giới và đường địa giới hành chính các cấp;

– Thay đổi về điểm tọa độ địa chính và điểm tọa độ quốc gia;

– Thay đổi về mốc giới và hành lang an toàn công trình;

– Thay đổi về địa danh và các ghi trú trên bản đồ;

THẨM QUYỀN ĐO ĐẠC ĐẤT ĐAI

Việc đo đạc đất đai chủ yếu do cơ quan nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thực hiện. Tuy nhiên không phải lúc nào việc trích đo thửa đất cũng do cán bộ, công chức nhà nước thực hiện, trong nhiều trường hợp để nhanh chóng, kịp thời và để kiểm tra lại sự chính xác về diện tích, kích thước thửa đất người sử dụng đất có thể liên hệ công ty đo đạc, bên đo đạc tư nhận để thực hiện việc đo đạc rồi nộp kèm kết quả đo đạc với hồ sơ đất đai mình muốn thực hiện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ kiểm tra, thẩm định bản trích đo đó.

Căn cứ Điều 5, Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP  và khoản 4 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thẩm quyền đo đạc đất đai do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thuộc về Văn phòng Đăng ký đất đai/Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, cụ thể như sau: 

“a) Văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hiện có ở địa phương; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật.Văn phòng đăng ký đất đai có chức năng thực hiện đăng ký đất đai và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai theo quy định cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu;

b) Văn phòng đăng ký đất đai có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng đăng ký đất đai theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;” 

Căn cứ tại điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư 13/2019/TT-BNV quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ địa chính xã: 

“Điều 2. Nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã […]

4. Công chức Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc công chức Địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã) […]

b) Trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau: Thu thập thông tin, tổng hợp số liệu, lập sổ sách các tài liệu và xây dựng các báo cáo về đất đai, địa giới hành chính, tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học, công tác quy hoạch, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo quy định của pháp luật; […]” 

Như vậy, trách nhiệm đo đạc địa chính  không còn thuộc thẩm quyền của công chức địa chính cấp xã mà sẽ do Văn phòng đăng ký đất đai/ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đất đai thực hiện. Đối với công chức đại chính cấp xã có nhiệm vụ thu thập thông tin, tổng hợp số liệu, lập sổ sách các tài liệu và xây dựng các báo cáo về đất đai, địa giới hành chính trên địa bàn.

BẢNG GIÁ, CHI PHÍ ĐO ĐẠC ĐẤT ĐAI

Trong nội dung bái viết này, chỉ quan tâm và đề cập đến việc đo đạc đất đai từ nguồn lực tài chính của người dân để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định 148/2020/NĐ-CP, người sử dụng đất khi yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc đo đạc thì phải trả phí, cụ thể như sau: 

“Điều 5. Thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực đất đai

1. Văn phòng đăng ký đất […] 

c) Kinh phí hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập.Khi Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp các dịch vụ thì người yêu cầu cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chi trả chi phí cho việc được cung cấp dịch vụ đó. Đối với thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, người yêu cầu cung cấp dịch vụ có trách nhiệm trả phí thẩm định hồ sơ và thẩm định các điều kiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trả chi phí đối với các công việc còn lại của thủ tục theo giá cung cấp dịch vụ công do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.” 

Khi người sử dụng đất có yêu cầu đo đạc thửa đất thì mức thu sẽ  căn cứ vào các bước công việc, yêu cầu công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và tùy thuộc vào vị trí, diện tích đất (được giao, được thuê hoặc được phép chuyển mục đích sử dụng) lớn hay nhỏ của từng thửa đất, từng dự án, mức độ khó khăn, vị trí di chuyển xa, xác định ranh giới khó khăn,…

Số tiền đo đạc đất đai khi người dân làm các thủ tục hành chính phụ thuộc vào bảng giá của từng địa phương và diện tích đất cần đo đạc. Căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội tại địa phương nơi phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, lệ phí, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của từng địa phương có đất quy định cụ thể mức thu phí, lệ phí phù hợp.

Người sử dụng đất có thể tìm đến các Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất có nội dung quy định về đơn giá đo đạc lập bản đồ địa chính; đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; lập hồ sơ địa chính; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để tìm đơn giá, bảng giá đo đạc đất đai của địa phương.

Xem thêm:

– Cách kiểm tra đất có đang bị tranh chấp hay không

– Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi không có sổ đỏ?

– Mẫu giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trên đây là tư vấn về “Lệ phí đo đạc đất đai (địa chính) khi cấp sổ đỏ, tách thửa“. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả. Công ty Luật Alana Nhàn Nguyễn cung cấp các giải pháp, dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp, tổ chức, các cá nhân trong các lĩnh vực như: đầu tư, thành lập doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, hôn nhân, đất đai, thừa kế, thuế, luật sư tranh tụng tại tòa. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn mọi thắc mắc của khách hàng như Luật sư tư vấn pháp luật qua Email, hotline 0972 798 172.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *