HỒ SƠ KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Căn cứ khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Tranh chấp đất đai có thể là tranh chấp về quyền sử dụng đất (tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất) hoặc tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất (như tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về mục đích sử dụng đất,..) hoặc các tranh chấp liên quan đến đất đai (như tranh chấp về di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, tranh chấp về chia tài sản chung vợ chồng là quyền sử dụng đất khi ly hôn,…).

Theo đó, đối với tranh chấp đất đai về ai là người có quyền sử dụng đất: bắt buộc phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất trước khi khởi kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) hoặc giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính. Đối với những tranh chấp liên quan đến đất đai như: Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, nhà ở; Tranh chấp về di sản thừa kế là quyền sử dụng đất; Tranh chấp tài sản chung là quyền sử dụng đất giữa vợ và chồng khi ly hôn…đấy là những vấn đề chủ yếu do chủ yếu do Bộ luật Dân sự quy định nên thủ tục giải quyết các bên có thể khởi kiện trực tiếp tại Tòa án mà không phải thông qua hòa giải tại UBND cấp xã. (Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP và Khoản 1 Điều 192 Bộ Luật Tố tụng dân sự)  

CÁCH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

 Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự thương lượng, hòa giải với nhau hoặc thông qua hòa giải ở cơ sở, nhờ hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, là cầu nối giúp giúp các bên tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai (Phương thức nhờ hòa giải viên là phương thức hòa giải cơ sở được quy định tại Luật Hòa giải cơ sở năm 2013). Cơ sở ở đây bao gồm: Thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác.

– Hòa giải bắt buộc tại UBND cấp xã đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất (tranh chấp đất đai thuần túy): Các bên gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để yêu cầu hòa giải. Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Việc hòa giải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của ubnd cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp (biên bản này là một trong những điều kiện cần phải có trong hồ sơ khởi kiện ra cơ quan Tòa án hoặc UBND có thẩm quyền). Nếu hòa giải thành thì sự việc dừng lại tại đây mà không cần khởi kiện.

– Nếu hòa giải ở UBND cấp xã không thành, thì:

+) Trường hợp tranh chấp đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất mà có Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ về đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

+) Trường hợp không có Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ về đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức sau:

  • Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền (Đối với tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; Đối với ranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết)
  • Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

Khi yêu cầu UBND cấp huyện giải quyết, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh (hoặc khởi kiện tại TAND theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính). Đối với trường hợp yêu cầu UBND cấp tỉnh, thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (hoặc khởi kiện tại TAND theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính) Tại đây quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi thực hiện thủ tục khiếu nại là quyết định cuối cùng, có hiệu lực thi hành buộc các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành, trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành (trừ trường hợp không không khiếu nại mà thực hiện theo thủ tục khác là khởi kiện ra TAND theo quy định pháp luật về tố tụng hành chính). Đối với trường hợp khởi kiện tại TAND có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, sau khi thụ lý hồ sơ, Tòa sẽ tổ chức hòa giải tại Tòa, nếu các bên không hòa giải được thì Tòa sẽ đưa vụ án tranh chấp ra xét xử sơ thẩm. Tại đây, việc giải quyết tranh chấp đất đai sẽ thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự. 

KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Để khởi kiện tranh chấp đất đai, vụ án phải chưa được giải quyết bằng một bản án hay quyết định của cơ quan nhà nước nào có hiệu lực pháp luật: Nếu sự việc đã được tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND huyện, tỉnh) của Việt Nam giải quyết bằng một bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự không được khởi kiện lại đối với vụ án đó nữa, trừ  trường hợp yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu.

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN

Đôi với tranh chấp về quyền sử dụng đất (tranh chấp đât đai thuần túy) thì sẽ không bị áp dụng thời hiệu khởi kiện. Khi phát hiện quyền lợi và nghĩa vụ bị xâm phạm thì các bên có quyền gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai đến tòa án có thẩm quyền tại bất kì thời điểm nào mà không phụ thuộc vào thời hạn tính từ thời điểm xảy ra hoặc biết được vi phạm. Đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất: Được áp dụng theo quy dịnh của Bộ luật dân sự 2015 đối với từng trường hợp cụ thể:

– Khởi kiện về hợp đồng mua bán đất đai, sang nhượng, cho thuê, gửi giữ, cầm cố, thế chấp…: Thời hạn là 3 năm, từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. (Điều 429 Bộ luật Dân sự).

– Khởi kiện bồi thường thiệt hại về đất đai: Thời hạn 3 năm.

– Khởi kiện về thừa kế đối với yêu cầu chia di sản là bất động sản (căn hộ, nhà đất): Thời hạn là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế (Điều 623 Bộ luật Dân sự).

– Khởi kiện yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác: Thời hạn là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

–  Tranh chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn: Không áp dụng thời hạn.

HỒ SƠ KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai (thuần túy) gồm những giấy tờ sau:

1. Đơn khởi kiện theo mẫu;

2. Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ về đất quy định tại Điều 100 Luật Đất Đai 2013;

3. Biên bản hòa giải có chứng nhận của UBND cấp xã nơi có đất và chữ ký của các bên;

4. Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của người khởi kiện;

5. Các giấy tờ khác để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện đó;

NƠI NỘP HỒ SƠ KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang bị tranh chấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Trừ những trượng hợp sau sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh:

– TAND cấp tỉnh lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.

– Trường hợp đương sự ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

CÁCH THỨC NỘP HỒ SƠ KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

– Nộp trực tiếp tại Tòa án;

– Gửi đến Tòa án theo đường bưu chính;

– Gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có);

Xem thêm

– Cách kiểm tra đất có đang bị tranh chấp hay không

– Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi không có sổ đỏ?

– Có sổ đỏ có phải đóng thuế đất không

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trên đây là tư vấn về “Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai“. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả. Đội ngũ Luật sư của Alananhannguyen.com luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc và cung cấp dịch vụ liên quan đến tư vấn, soạn thảo các biểu mẫu của hồ sơ giao dịch về quyền sử dụng đất, các vấn đề pháp lý khác của bạn. Nếu có những vấn đề nào chưa rõ cần được tư vấn pháp luật trực tiếp hoặc tư vấn pháp luật trực tuyến, quý độc giả hãy liên hệ ngay tới hotline: 0972 798 172 để được các chuyên gia pháp lý của Alananhannguyen.com tư vấn, hỗ trợ. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *