Tư vấn luật dân sự
THỦ TỤC LÀM DI CHÚC THỪA KẾ ĐẤT ĐAI
DI CHÚC LÀ GÌ VÀ DI CHÚC THỪA KẾ ĐẤT ĐAI LÀ GÌ?
Theo Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 , di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Thừa kế đất đai là việc chuyển quyền sử dụng đất từ người chết sang cho người thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế.
Theo đó, lập di chúc về thừa kế đất đai có thể hiểu là là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của mình cho người khác sau khi chết. Cá nhân lập di chúc để lại tài sản đất đai phải là người sở hữu hợp pháp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, là người đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất…. và đã đăng ký theo quy định của pháp luật (trong trường hợp phải đăng ký).
AI CÓ QUYỀN LẬP DI CHÚC VÀ NGƯỜI LẬP DI CHÚC CO NHỮNG QUYỀN GÌ?
Bất cứ cá nhân nào từ 15 tuổi trở lên, có tài sản riêng hoặc tài sản trong khối tài sản chung với người khác đều có thể lập di chúc để định đoạt tài sản của mình để lại cho người khác sau khi chết nếu đáp ứng các điều kiện về minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chú, không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép, cụ thể gồm:
– Người từ đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự
– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc
Căn cứ theo Điều 626 Bộ luật dân sự 2015, người lập di chúc có các quyền sau đây:
– Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
– Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
– Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
– Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
– Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
DI CHÚC CÓ BẮT BUỘC PHẢI CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC KHÔNG?
Theo quy định pháp luật thì di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng (Căn cứ Điều 627, Điều 629 Bộ luật sự).
– Di chúc bằng văn bản gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
– Di chúc miệng: Di chúc miệng chỉ được công nhận đối với trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Như vậy, không phải tất cả di chúc đều phải được công chứng, chứng thực mà chỉ một số trường hợp bắt buộc phải thực hiện gồm:
– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất; người không biết chữ: phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
– Di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài.
– Di chúc miệng: di chúc miệng phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng (Khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự).
– Di chúc để lại tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013.
Xem thêm:
– Công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
– Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai
– Lệ phí khởi kiện tranh chấp đất đai
DI CHÚC HỢP PHÁP VÀ NỘI DUNG CỦA DI CHÚC
Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
– Ngoài các nội dung trên, di chúc có thể có các nội dung khác.
– Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
– Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
ĐIỀU KIỆN VỀ TÀI SẢN KHI LẬP DI CHÚC THỪA KẾ ĐẤT ĐAI
Người lập di chúc phải là chủ sở hữu hợp pháp quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất. Vì đất là một loại tài sản đặc biệt, nên ngoài việc đáp ứng các điều kiện để di chúc hợp pháp thì mảnh đất để lại di chúc phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án
- Trong thời hạn sử dụng đất.
THỦ TỤC LẬP DI CHÚC VỀ THỪA KẾ ĐẤT ĐAI
1. Thủ tục lập di chúc về đất đai phải công chứng, chứng thực tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ
– Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu);
– Dự thảo Di chúc;
– Giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu của người lập và người nhận; Sổ hộ khẩu; Xác nhận tình trạng hôn nhân; Đăng ký kết hôn…;
– Giấy tờ về đất đai như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (Sổ đỏ),…
Bước 2: Nộp hồ sơ
– Công chứng: tại Phòng công chứng nhà nước hoặc Văn phòng công chứng tư nhân.
Lưu ý: Có thể thực hiện công chứng di chúc về bất động sản ở ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức công chứng đặt trụ sở (Căn cứ Điều 42 Luật Công chứng năm 2014).
– Cơ quan có thẩm quyền chứng thực: Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã.
Bước 3: Thực hiện công chứng, chứng thực di chúc
– Công chứng viên hoặc công chức tư pháp xã tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ của người lập di chúc.
– Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã.
– Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố.
– Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình.
– Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc. Trường hợp đặc biệt, việc công chứng, chứng thực di chúc vẫn phải mời người làm chứng nếu: – Người lập di chúc không đọc hoặc không nghe được bản di chúc;
– Người lập di chúc không ký hoặc không điểm chỉ được vào bản di chúc. Người làm chứng trong trường hợp này cũng phải ký xác nhận trước mặt Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.
2. Thủ tục lập di chúc miệng
– Di chúc miệng chỉ được áp dụng đối với trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của người lập di chúc trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Trên đây là tư vấn về “Công chứng đất đai“. Đội ngũ Luật sư của Alananhannguyen.com luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc và cung cấp dịch vụ liên quan đến tư vấn, soạn thảo các biểu mẫu của hồ sơ giao dịch về quyền sử dụng đất, dịch vụ tư vấn về đất đai, tư vấn về đăng ký doanh nghiệp và các vấn đề pháp lý khác của bạn. Nếu có những vấn đề nào chưa rõ cần được tư vấn pháp luật trực tiếp hoặc tư vấn pháp luật trực tuyến, quý độc giả hãy liên hệ ngay tới hotline: 0972 798 172 để được các chuyên gia pháp lý của Alananhannguyen.com tư vấn, hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm
- THỦ TỤC CẤP PHÉP NHẬP KHẨU TỰ ĐỘNG THUỐC LÁ ĐIẾU, XÌ GÀ
- TRÌNH TỰ ĐĂNG KÝ VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT LẦN ĐẦU CẤP HUYỆN
- HỢP ĐỒNG KHOÁN VIỆC
- Tổ chức tài chính bị xóa sổ người vay tiền có được xóa nợ
- THỦ TỤC KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ
- NGƯỜI THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT GỒM NHỮNG AI?