Tư vấn luật hình sự
NỘI QUY PHIÊN TÒA HÌNH SỰ VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
PHIÊN TÒA HÌNH SỰ LÀ GÌ?
Tổ chức phiên tòa hình sự là một trong các hình thức hoạt động xét xử của Tòa án. Tùy theo tính của vụ án hình sự mà có thể có Phiên tòa sơ thẩm, Phiên tòa phúc thẩm, Phiên tòa giám đốc thẩm hoặc Phiên tòa tái thẩm.
Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trong thời hạn luật định Tòa án phải mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử vụ án, tiến hành tổ chức hoạt động tranh tụng tại phiên tòa giữa các chủ thể tham gia tố tụng có chức năng đối trọng nhau (chủ yếu là bên buộc tội và bên gỡ tội để bảo vệ quan điểm của mình và bác bỏ quan điểm của phía đối lập góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án). Trong đó, Tòa án giữ vai trò là chủ thể chính trong việc duy trì, hướng dẫn, điều hành thủ tục đối với các bên tham gia tranh tụng tại phiên tòa và nhân danh Nhà nước đưa ra phán quyết giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đầy đủ, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan tổ chức.
NỘI QUY PHIÊN TÒA HÌNH SỰ
Hoạt động xét xử là hoạt động có tính đặc thù và chỉ có Tòa án được nhân danh Nhà nước thực hiện. Trong giai đoạn xét xử và đặc biệt là tại phiên tòa luôn đặt ra yêu cầu đối với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa phải tuân theo những nội quy, quy tắc nhằm đảm bảo cho việc xét xử được trang nghiêm. Do đó, nội quy phiên tòa hình sự có thể hiểu là những quy định về nguyên tắc xử sự của các chủ thể tại phiên tòa, được quy định và luật hóa tại Điều 256 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể như sau:
– Mọi người vào phòng xử án phải mặc trang phục nghiêm túc, chấp hành việc kiểm tra an ninh và thực hiện đúng hướng dẫn của Thư ký Tòa án.
– Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.
– Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án. Bị cáo phải đứng khi Kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố. Người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa muốn trình bày ý kiến phải được chủ tọa phiên tòa đồng ý; người trình bày ý kiến phải đứng khi trình bày ý kiến, khi được hỏi. Những người vì lý do sức khỏe có thể được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi.
– Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép.
– Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.
Phiên tòa hình sự được tổ chức tại phòng xử án, nên những người tham gia/tham dự phiên tòa ngoài việc tuân thủ những nội quy cơ bản của phiên tòa, còn phải tuân thủ và thực hiện theo sự điều hành chủ tọa phiên tòa và nội quy phòng xử án.
Nội quy phòng xử án được Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Điều 3 Thông tư số 01/2014/TT-CA như sau:
Điều 3. Nội quy phòng xử án
“1. Khi vào phòng xử án, mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa.Nghiêm cấm mang vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.
2. Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa và ngồi đúng vị trí trong phòng xử án theo hướng dẫn của Thư ký phiên tòa; trường hợp đến muộn thì phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên tòa thông qua lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.
3. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập.
4. Mọi người trong phòng xử án phải mặc quần áo nghiêm túc; có thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ trật tự, không nói chuyện riêng và tuân theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa.
5. Không đội mũ, nón, đeo kính màu trong phòng xử án, trừ trường hợp có lý do chính đáng, được Chủ tọa phiên tòa cho phép; không sử dụng điện thoại di động trong phòng xử án; không hút thuốc, không ăn uống trong phòng xử án hoặc có hành vi khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa.
6. Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án, trừ trường hợp đặc biệt được phép của Chủ tọa phiên tòa.
7. Bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa; việc tiếp xúc với những người khác phải được phép của Chủ tọa phiên tòa.
8. Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án phải có mặt tại phiên tòa trong suốt thời gian xét xử vụ án, trừ trường hợp được Chủ tọa phiên tòa cho phép rời khỏi phòng xử án khi có lý do chính đáng.
9. Chỉ những người được Hội đồng xét xử cho phép mới được hỏi, trả lời hoặc phát biểu. Người hỏi, trả lời hoặc phát biểu phải đứng dậy, trừ trường hợp vì lý do sức khỏe được Chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi để hỏi, trả lời hoặc phát biểu.
10. Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy trường hợp có thể bị Chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án, bị bắt giữ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VÀ LƯU Ý KHI THAM GIA/THAM DỰ PHIÊN TÒA HÌNH SỰ
Khi tham gia phiên tòa, nếu không tuân thủ nội quy phiên tòa, nội quy phòng xét xử hay sự điều hành của chủ tọa phiên tòa, các chủ thể này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự. (Căn cứ Điều 467 Bộ luật tố tùng hình sự năm 2015)
Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự phiên tòa.
Về vấn đề giữ gìn trật tự
Khi tham gia/tham dự phiên tòa, ngoài những chủ thể tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng, những chủ thể tham dự phiên tòa cũng cần phải tuân thủ nội quy phiên tòa, nội quy phòng xử án và sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa để điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp. Người tham dự phiên tòa phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án. Phải mặc quần áo nghiêm túc, có thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ trật tự, không nói chuyện riêng trong phiên tòa và tuân theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa…
Do đó, những người tham dự phiên tòa phải hết sức chú ý không gây rối hay gây mất trật tự tại phiên tòa. Ngay cả trong trường hợp đồng tình với quan điểm, phát biểu của luật sư bào chữa, luật sư bảo vệ, bị cáo, bị hại… mà cả phòng xét xử vỗ tay khen ngợi cũng có thể bị xem là gây mất trật tự, vi phạm nội quy phiên tòa. Tùy vào mức độ gây mất trật tự mà chủ toạ phiên tòa có thể yêu cầu cả phòng xét xử nghiêm túc giữ trật tự hoặc quyết định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính.
Về vấn đề ghi âm, ghi hình
Theo quy định của Bộ luật hình tố tụng hình sự, phiên tòa diễn ra phải được ghi chép lại bằng biên bản. Biên bản phiên tòa phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa và mọi diễn biến tại phiên tòa từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa. Cùng với việc ghi biên bản, có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa. (Căn cứ Điều 258 Bộ luật tố tụng hình sư năm 2015)
Tại phiên tòa hình sự có thể ghi âm, ghi hình vì phiên tòa hình sự mang tính chất công khai. Tội phạm trong các vụ án hình sự ngoài xâm phạm đến các quan hệ từ của bị hại, đương sự thì còn xâm phạm đến trật tự xã hội, quản lý nhà nước nên người phạm tội phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Tòa án xét xử vụ án hình sự công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật hình sự quy định.
Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai, do đó pháp luật hiện hành không cấm việc ghi âm, ghi hình trong các phiên tòa hình sự. Tuy nhiên, việc ghi âm, ghi hình hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng và những người khác thì cần thiết phải được sự đồng ý của những người đó và tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa hình sự. Đây là nguyên tắc thể hiện bảo đảm quyền con người.
Thực hiện quyền của người này thì không được xâm phạm quyền của người khác (Luật Báo chí quy định báo chí được phép ghi âm, ghi hình nhưng ghi âm, ghi hình cũng phải tôn trọng quyền của người khác).
Khi tiến hành ghi âm, ghi hình tại phiên tòa hình sự mà không xin phép, không được sự đồng ý của những người tiến hành tố tụng, những người khác tại phòng xét xử và không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa sẽ bị xem là hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH15 ngày 19/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, và sẽ bị xử phạt hành chính, cụ thể như sau:
“Điều 23. Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp[…]
4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:[…]
c) Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự.”
Ngoài hình thức phạt tiền, hành vi ghi âm, ghi hình mà không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên toàn hình sự còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả là bị tịch thu phương tiện ghi âm, ghi hình; buộc nộp lại tư liệu, tài liệu ghi âm, ghi hình. (Căn cứ Khoản 5 Khoản 6 Điều 23 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH15 ngày 19/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội)
Xem thêm:
– Cách kiểm tra đất có đang bị tranh chấp hay không
– Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi không có sổ đỏ?
– Mẫu giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Trên đây là tư vấn về “Nội quy phiên tòa hình sự và những điều cần biết“. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả. Công ty Luật Alana Nhàn Nguyễn cung cấp các giải pháp, dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp, tổ chức, các cá nhân trong các lĩnh vực như: đầu tư, thành lập doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, hôn nhân, đất đai, thừa kế, thuế, luật sư tranh tụng tại tòa. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn mọi thắc mắc của khách hàng như Luật sư tư vấn pháp luật qua Email, hotline 0972 798 172.
Có thể bạn quan tâm
- QUY ĐỊNH VỀ GẶP NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, TẠM GIAM
- SƠ ĐỒ GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ
- NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- 30 TỘI XÂM PHẠM NGHĨA VỤ, TRÁCH NHIỆM CỦA QUÂN NHÂN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI PHỐI THUỘC VỚI QUÂN ĐỘI TRONG CHIẾN ĐẤU, PHỤC VỤ CHIẾN ĐẤU
- TỔNG HỢP CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ NĂM 2023
- TỔNG HỢP TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, MẠNG VIỄN THÔNG