NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

VỤ ÁN HÌNH SỰ LÀ GÌ?

Khi một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà thuộc trường hợp Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự và bị xử lý hình sự, điều này là căn cứ để làm phát sinh vụ án hình sự. Theo đó, vụ án hình sự có thể hiểu là vụ việc có dấu hiệu tội phạm đã được quy định trong Bộ luật hình sự và đã được cơ quan điều tra ra lệnh khởi tố vụ án để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo các trình tự, thủ tục đã được quy định ở Bộ luật tố tụng hình sự. 

Nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự

NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ LÀ NHỮNG AI, ĐƯỢC XÁC ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

Nguyên đơn dân sự được xác định là một trong các đương sự trong vụ án hình sự, có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức. Căn cứ theo khoản 1 Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì nguyên đơn dân sự là: Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự khác với bị hại trong vụ án hình sự, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Là chủ thể bị thiệt hại trực tiếp từ hành vi phạm tội.

Thường mục đích của người phạm tội là trực tiếp gây ra thiệt hại cho chủ thể này. Còn nguyên đơn dân sự là chủ thể chỉ có một loại thiệt hại đó là thiệt hại về tài sản và bị thiệt hại gián tiếp từ hành vi phạm tội gây ra. Mục đích của người phạm tội không nhằm trực tiếp gây ra thiệt hại cho chủ thể này. 

Mặt khác, nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự cũng có điểm khác biệt với nguyên đơn trong vụ án dân sự, nguyên đơn trong vụ án dân sự nhưng không phải lúc nào cũng bị thiệt hại (ví dụ khởi kiên đơn phương lý hôn trong vụ án hôn nhân và gia đình do mục đích hôn nhân không đạt được).

Trong các trường hợp khác của vụ án dân sự, nguyên đơn bị thiệt hại không chỉ là thiệt hại về vật chất mà còn có những thiệt hại khác và thiệt hại đó không nhất thiết phải do tội phạm gây ra. Trong tố tụng hình sự, việc tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra nhưng họ không muốn tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự thì họ chỉ cần không làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng không buộc họ phải tham gia tố tụng. Nếu xét thấy sự có mặt của họ là cần thiết để xác định sự thật vụ án thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ có thể triệu tập họ đến với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. 

Lưu ý: Trong vụ án hình sự, nguyên đơn dân sự cũng có thể đồng thời là bị hại, trong trường hợp này thì họ có cả quyền của người bị hại và quyền của nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, qua thực tiễn giải quyết vụ án cho thấy trong trường hợp này các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ cần xác định họ là người bị hại mà không cần phải xác định họ là nguyên đơn dân sự.

NGƯỜI BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ – ĐƯƠNG SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

Căn cứ Điều 84 BLTTHS, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể là:

–  Luật sư;

–  Người đại diện;

–  Bào chữa viên nhân dân;

–  Trợ giúp viên pháp lý.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN CỦA NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

Người đại diện của nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có đủ tư cách pháp nhân, người được nguyên đơn dân sự ủy quyền; cha, mẹ đối với con chưa thanh niên (người dưới 18 tuổi); người giám hộ đối với người được giám hộ bị thiệt hại do tội phạm gây ra hoặc một người khác được Tòa án chấp nhận theo quy định của pháp luật.

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

Nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện của họ có quyền:

a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

c) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

d) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;

đ) Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

g) Đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;

h) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn; xem biên bản phiên tòa;

i) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

k) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

l) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường thiệt hại;

m) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nguyên đơn dân sự có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

b) Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại;

c) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Xem thêm:

– Cách kiểm tra đất có đang bị tranh chấp hay không

– Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi không có sổ đỏ?

– Mẫu giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trên đây là tư vấn về “Nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự“. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả. Công ty Luật Alana Nhàn Nguyễn cung cấp các giải pháp, dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp, tổ chức, các cá nhân trong các lĩnh vực như: đầu tư, thành lập doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, hôn nhân, đất đai, thừa kế, thuế, luật sư tranh tụng tại tòa. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn mọi thắc mắc của khách hàng như Luật sư tư vấn pháp luật qua Email, hotline 0972 798 172.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *