BỐ MẸ ÉP CON KẾT HÔN KHI CHƯA ĐỦ TUỔI CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG?

BẠN N.T.T CÓ GỬI CÂU HỎI ĐẾN VỚI LUẬT SƯ NHƯ SAU

Cháu năm nay 19 tuổi, người dân tộc thiểu số quê ở Đông Giang, Quảng Nam. Cháu là con trai duy nhất trong nhà nên bố mẹ cháu ép cháu về quê lấy vợ và sinh con. Bố mẹ cháu nói nếu cháu không lấy vợ thì họ vẫn sẽ tổ chức đám cưới và đón dâu, nếu cháu về cưới vợ thì có con xong họ sẽ cho cháu đi học tiếp. Cháu chỉ muốn đi học Đại học và chưa muốn kết hôn? Bố mẹ cháu có được ép cháu lấy vợ không ạ? Nếu cháu chọn cách lấy vợ rồi đi học tiếp thì cháu có đủ tuổi không ạ? Mong luật sư giải đáp. 

Lời đầu tiên, Công ty Luật Alana Nhàn Nguyễn xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:

MỘT SỐ KHÁI NIỆM CẦN HIỂU RÕ

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định.

Cưỡng ép kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với ý muốn của họ. 

QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KẾT HÔN

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:

– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân gia đình. Cụ thể:

  • Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
  • Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
  • Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
  • Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Có thể thấy, cháu là giới tính nam, 19 tuổi thì chưa đủ tuổi kết hôn. Cháu cũng không tự nguyện kết hôn; việc bố mẹ cháu ép cháu lấy vợ còn phụ thuộc vào trường hợp cấm kết hôn là tảo hôn hay cưỡng ép kết hôn. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.

CƯỠNG ÉP KẾT HÔN THÌ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Theo điều 181 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017); việc xử lý tội cưỡng ép, cản trở hôn nhân tự nguyện được quy định như sau:

Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.

Như vậy, tội cưỡng ép kết hôn có thể bị xử lý theo luật hình sự; với mức phạt lên tới 3 năm tù giam.

TẢO HÔN VÀ TỔ CHỨC TẢO HÔN THÌ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

VỀ HÀNH CHÍNH

Căn cứ theo Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

VỀ HÌNH SỰ

Người có hành vi tổ chức tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức tảo hôn được quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), cụ thể:

Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm. Trên đây là lời giải đáp của chúng tôi về câu hỏi của bạn. Có thể vì bạn là con trai duy nhất trong nhà nên bố mẹ mong muốn bạn lập gia đình để họ sớm có cháu bồng bế. Vì vậy, bạn có thể cùng gia đình ngồi lại với nhau, tháo gỡ khúc mắc; giải thích cho bố mẹ hiểu suy nghĩ, mục tiêu tương lai của bạn cũng như quy định pháp luật về vấn đề này. Ngoài ra, bạn có thể tìm sự trợ giúp từ những người khác như người thân, hàng xóm, trưởng thôn, bản, chính quyền địa phương… để động viên, hỗ trợ giúp bố mẹ bạn hiểu, cảm thông và yên tâm hơn. 

Xem thêm:

 Cách giành quyền nuôi con khi không có thu nhập

– Bị tâm thần có được đăng ký kết hôn không?

– Đăng ký kết hôn online như thế nào?

MỞ RỘNG CHỦ ĐỀ

NGƯỜI CÓ QUYỀN YÊU CẦU HỦY VIỆC KẾT HÔN TRÁI PHÁP LUẬT

1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định về điều kiện kết hôn là “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình:

  • Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
  • Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức sau yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật:

  • Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
  • Hội liên hiệp phụ nữ.

XỬ LÝ VIỆC KẾT HÔN TRÁI PHÁP LUẬT

– Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật này và pháp luật về tố tụng dân sự.

– Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.

– Quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn trái pháp luật hoặc công nhận quan hệ hôn nhân phải được gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên kết hôn trái pháp luật; cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

– Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.

HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA VIỆC HỦY KẾT HÔN TRÁI PHÁP LUẬT

– Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

– Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.

– Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật Hôn nhân và gia đình. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn:

  • Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
  • Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trên đây là tư vấn về “Bố mẹ ép con kết hôn khi chưa đủ tuổi có vi phạm pháp luật không?” Công ty Luật Alana Nhàn Nguyễn cung cấp các giải pháp, dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp, tổ chức, các cá nhân trong các lĩnh vực như: đầu tư, thành lập doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, hôn nhân, thừa kế, đất đai, thuế, luật sư tranh tụng tại tòa. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn mọi thắc mắc của khách hàng như Luật sư tư vấn pháp luật qua Email, hotline: 0972 798 172.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *