Tư vấn luật thuế - kế toán
KÊ KHAI THUẾ ĐỐI VỚI DỊCH VỤ KHÁM CHỮA BỆNH
Khám chữa bệnh là một dịch vụ đặc biệt bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nhu cầu khám chữa bệnh với lượng bệnh nhân ngày một đông, nhiều bệnh viện lớn của Nhà nước thường xuyên gặp phải tình trạng quá tải. Để giảm áp lức cho các bệnh viện trong khối nhà nước, Nhà nước cho phép thành lập các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.Cơ sở kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh có thể do nhà nước thành lập hoặc do tư nhân thành lập. Tuy nhiên, do mức độ quan trọng cũng như đặc thù ngành nghề là ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng con người nên Nhà nước vừa tạo điều kiện, vừa đặt ra các quy định, thủ tục chặt chẽ khi thành lập cơ sở khám chữa bệnh. Một trong các vấn đề được quan tâm hiện nay khi thành lập các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thì việc kê khai và nộp thuế đối với Nhà nước sẽ thực hiện như thế nào, sau đây mời quý độc giả cùng đội ngũ tư vấn của Luật Alana Nhàn Nguyễn chúng tôi cùng tìm hiểu.
CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC CỦA CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH
Theo Luật khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, cơ sở khám chữa bệnh sẽ được tổ chức dưới các hình thức sau:
a) Bệnh viện;
b) Cơ sở giám định y khoa;
c) Phòng khám đa khoa;
d) Phòng khám chuyên khoa, bác sỹ gia đình;
đ) Phòng chẩn trị y học cổ truyền;
e) Nhà hộ sinh;
g) Cơ sở chẩn đoán;
h) Cơ sở dịch vụ y tế;
i) Trạm y tế cấp xã và tương đương;
k) Các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác.
Một trong các điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Như vậy, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có thể hoạt động theo các mô hình doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH TƯ NHÂN PHẢI CHỊU NHỮNG LOẠI THUẾ NÀO?
Các cơ sở khám chữa bệnh sẽ thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật tương ứng với các mô hình trên.
Các loại thuế mà cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có thể phải thực hiện là: Lệ phí môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… Các có sở khám chữa bệnh theo mô hình đăng ký hộ kinh doanh nếu không lựa chọn phương pháp kê khai sẽ thực hiện nộp thuế theo phương thức khoán do Cơ quan thuế ấn định.
DỊCH VỤ KHÁM CHỮA BỆNH KHÔNG PHẢI KÊ KHAI, NỘP THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (GTGT)
Theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật thuế GTGT, Nghị định 100/2016/NĐ-CP thì Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi không phải là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Bao gồm: cả vận chuyển, xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh; Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, chăm sóc về y tế, dinh dưỡng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật. Đối với các dịch vụ trên sẽ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trường hợp trong gói dịch vụ chữa bệnh (theo quy định của Bộ Y tế) bao gồm cả sử dụng thuốc chữa bệnh thì khoản thu từ tiền thuốc chữa bệnh nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh cũng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Ngoài những dịch vụ nêu trên, cở khám chữa bệnh có hoạt động bán thiết bị y tế hoặc dụng cụ chuyên dụng trong y tế khác thì sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, kể cả khoản thu từ tiền thuốc chữa bệnh nằm ngoài gói dịch vụ chữa bệnh (theo quy định của Bộ Y tế) thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% và được khấu trừ thuế GTGT nếu đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều 14 Mục 1 Chương III Thông tư số 219/2013/TT-BTC và Điểm a Khoản 9, Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC.
CƠ SƠ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THEO MÔ HÌNH HỘ KINH DOANH
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động theo mô hình Hộ kinh doanh sẽ phải thực hiện nghĩa vụ về thuế có thể gồm các loại sau: Lệ phí môn bài và Thuế thu nhập cá nhân (nếu có).
Đối với cơ sở khám chữa bệnh có doanh thu từ hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế TNCN. Cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định. (Khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC)
LỆ PHÍ MÔN BÀI
Tùy vào doanh thu của cơ sở khám chữa bệnh trong năm dương lịch mà mức đóng lệ phí môn bài hàng năm theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 139/2016/TT-BTC như sau:
Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.
Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh lần đầu ra hoạt động sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động. Cơ sở khám chữa bệnh phải khai lệ phí môn bài một lần khi người nộp lệ phí mới ra hoạt động hoặc mới thành lập. Cơ sở khám chữa bệnh mới ra hoạt động hoặc mới thành lập thực hiện khai lệ phí môn bài và nộp Tờ khai cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 30 tháng 01 năm sau năm mới ra hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập.
Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh nộp thuế theo phương pháp khoán không phải khai lệ phí môn bài. Cơ quan thuế căn cứ tờ khai thuế, cơ sở dữ liệu ngành thuế để xác định doanh thu kinh doanh làm căn cứ tính mức lệ phí môn bài phải nộp của cơ sở khám chữa bệnh nộp thuế theo phương pháp khoán.
THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
Là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp một phần tiền lương hoặc từ các nguồn thu nhập khác vào ngân sách nhà nước. Đối với hoạt động kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế thua nhập cá nhân; nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó, doanh thu tính thuế TNCN đối cơ sở khám chữa bệnh theo mô hình hộ kinh doanh xác định theo quy định tại Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC với tỷ lệ thuế TNCN áp dụng theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo thông tư trên là 1%.
CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH THEO MÔ HÌNH DOANH NGHIỆP
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế theo từng kỳ tính thuế theo quy định của pháp luật và gồm các loại thuế sau: Lệ phí môn bài, Thuế thu nhập doanh nghiệp và Thuế thu nhập cá nhân (nếu có).
LỆ PHÍ MÔN BÀI
Là loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp hàng năm, theo mức quy định cụ thể như sau:
a)Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;
b) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;
c) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức quy định tại điểm a và điểm b khoản này căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.
Trường hợp doanh nghiệp mới ra hoạt động hoặc mới được thành lập cũng sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu.
THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
Thuế thu nhập doanh nghiệp được tính theo công thức quy định tại thông tư 96/2015/TT-BTC như sau:
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có) ) x Thuế suất thuế TNDN
Thuế suất áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động phòng khám là 25%.
THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
Đối với những trường hợp người lao động thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì doanh nghiệp phải thực hiện kê khai và quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho người lao động của mình.
Xem thêm:
– Thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn
– Ai quyết định việc thay đổi Thẩm phán trong tố tụng dân sự?
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Trên đây là tư vấn về “Kê khai thuế đối với dịch vụ khám chữa bệnh“. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả. Đội ngũ Luật sư của Alananhannguyen.com luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc và cung cấp dịch vụ liên quan đến tư vấn, soạn thảo các biểu mẫu của hồ sơ kê khai thuế, tư vấn các chính sách thuế, dịch vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân và các dịch vụ khác liên quan đến thuế .… của bạn. Nếu có những vấn đề nào chưa rõ cần được tư vấn pháp luật trực tiếp hoặc tư vấn pháp luật trực tuyến, quý độc giả hãy liên hệ ngay tới hotline: 0972 798 172 để được các chuyên gia pháp lý của Luật Alana Nhàn Nguyễn tư vấn, hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm
- HỒ SƠ KHAI THUẾ KHI TẠM NGỪNG HOẠT ĐỘNG, KINH DOANH
- CĂN CỨ XÁC ĐỊNH THUẾ KHOÁN ĐỐI VỚI HỘ KHOÁN
- QUY ĐỊNH VỀ HÓA ĐƠN BÁN HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA
- TRƯỜNG HỢP NGƯỜI NỘP THUẾ TỰ XÁC ĐỊNH SỐ TIỀN ĐƯỢC MIỄN THUẾ, GIẢM THUẾ
- KÊ KHAI THUẾ CHO THUÊ NHÀ, CÁCH TÍNH THUẾ CHO THUÊ NHÀ
- QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT HÀNH VI TRỐN THUẾ VÀ GIAN LẬN THUẾ MỚI NHẤT