Tư vấn luật hôn nhân gia đình
ANH EM HỌ HÀNG XA KẾT HÔN VỚI NHAU CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
HỎI:
Chào luật sư. Tôi (27 tuổi) và bạn gái (25 tuổi) quen nhau được 3 năm. Tháng trước, tôi đưa bạn gái về nhà tính chuyện kết hôn thì ông bà tôi phát hiện chúng tôi là họ hàng xa cách nhau 5 đời. Ông bà tôi phản đối kịch liệt, ép chúng tôi phải chia tay vì nói rằng cưới là loạn luân. Từ hôm đó đến nay, tôi và bạn gái đã chia tay nhưng trong lòng cả hai đều rất đau khổ. Bạn bè tôi nói rằng chúng tôi vẫn có thể cưới nhau thì có đúng hay không? Chúng tôi có vi phạm pháp luật không? Mong luật sư giải đáp.
Lời đầu tiên, Công ty Luật Alana Nhàn Nguyễn xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:
MỘT SỐ KHÁI NIỆM CẦN HIỂU RÕ
– Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
– Thành viên gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.
– Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
– Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
– Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.
ANH EM HỌ HÀNG XA KẾT HÔN VỚI NHAU CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
Căn cứ theo điểm d khoản 2 Điều 5, điểm đ khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về các trường hợp cấm kết hôn:
“2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.”
Như vậy, hai bạn không cùng dòng máu về trực hệ; không có họ trong phạm vi ba đời; không phải là quan hệ cha, mẹ nuôi với con nuôi hay đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng thì vẫn có thể kết hôn.
THẾ NÀO LÀ LOẠN LUÂN?
Căn cứ theo Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015 thì loạn luân là hành vi của một người giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Có thể thấy, hai bạn cũng không thuộc trường hợp loạn luân. Vậy nên, việc hai bạn kết hôn là không vi phạm quy định pháp luật.
MỞ RỘNG CHỦ ĐỀ
(1) TỘI LOẠN LUÂN (ĐIỀU 184 BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015, SỬA ĐỔI 2017)
Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
(2) TỘI HIẾP DÂM (KHOẢN 2 ĐIỀU 141 BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015, SỬA ĐỔI 2017)
Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân và có tính chất loạn luân thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
(3) TỘI HIẾP DÂM NGƯỜI DƯỚI 16 TUỔI (KHOẢN 2 ĐIỀU 142 BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015, SỬA ĐỔI 2017)
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây và có tính chất loạn luân thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
– Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
– Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
(4) TỘI CƯỠNG DÂM (KHOẢN 2 ĐIỀU 143 BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015, SỬA ĐỔI 2017)
Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác và có tính chất loạn luân thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
(5) TỘI CƯỠNG DÂM NGƯỜI TỪ ĐỦ 13 TUỔI ĐẾN DƯỚI 16 TUỔI (KHOẢN 2 ĐIỀU 144 BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015, SỬA ĐỔI 2017)
Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác và có tính chất loạn luân thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
(6) TỘI GIAO CẤU HOẶC THỰC HIỆN HÀNH VI QUAN HỆ TÌNH DỤC KHÁC VỚI NGƯỜI TỪ ĐỦ 13 TUỔI ĐẾN DƯỚI 16 TUỔI (KHOẢN 2 ĐIỀU 145 BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015, SỬA ĐỔI 2017)
Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật Hình sự và có tính chất loạn luân thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Xem thêm:
– Đăng ký kết hôn online như thế nào?
– Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp phát sinh trong tố tụng dân sự
– Tranh chấp dân sự và yêu cầu dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của ai?
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Trên đây là tư vấn về “Anh em họ hàng xa kết hôn với nhau có được không?” Công ty Luật Alana Nhàn Nguyễn cung cấp các giải pháp, dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp, tổ chức, các cá nhân trong các lĩnh vực như: đầu tư, thành lập doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, hôn nhân, thừa kế, đất đai, thuế, luật sư tranh tụng tại tòa. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn mọi thắc mắc của khách hàng như Luật sư tư vấn pháp luật qua Email, hotline. Công ty Luật Alana Nhàn Nguyễn, Luật sư Nguyễn Thị Nhàn Hotline: 0972 798 172.